Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Một Tôi khác”

Văn Ngọc Thủy| 23/09/2013 06:08

(HNM) - Họ là những người khiếm thị, người khuyết tật, người có H (HIV), người từng nghiện ma túy, người đồng tính… Họ đã từng đau lòng, mặc cảm khi bắt gặp những ánh mắt kì thị, phán xét...

Nhưng định kiến của một bộ phận người trong xã hội không ngăn cản họ sống mạnh mẽ, vươn lên làm chủ cuộc đời. Một ngày, trong tay có chiếc máy ảnh, họ ghi lại những khoảnh khắc, kể những câu chuyện có thật của chính cuộc đời mình. Những bức ảnh tươi sáng, hồn hậu, chân thực và cảm động ấy đang được trưng bày tại triển lãm "Một Tôi khác" trong khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Khách tham quan triển lãm.



Cuộc sống đẹp đẽ trong sự đa dạng

108 bức ảnh trong triển lãm được chia thành 8 chủ đề: "Tôi mạnh mẽ, Tôi yêu thương, Tôi chia sẻ, Tôi học hỏi, Tôi là tôi, Tôi tự chủ, Tôi tự tin, Tôi có thể" là những gì rất đời thường, rất thực của những vui buồn, thay đổi và thành quả, những khó khăn và câu chuyện vượt qua khó khăn, những chia sẻ của người đồng cảnh ngộ hoặc không đồng cảnh ngộ, nhưng đều muốn chung tay vì cuộc sống tốt đẹp hơn. Triển lãm nằm trong dự án Photovoice do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE phối hợp với 14 tổ chức xã hội Việt Nam thực hiện. Dự án Photovoice đã cung cấp máy ảnh, máy quay và các buổi tập huấn về kỹ thuật chụp ảnh, quay, kể chuyện cho những cá nhân tham gia và hỗ trợ họ trong suốt quá trình khi cần thiết. Đã có rất nhiều người khuyết tật, người có H, người đồng tính, người dân tộc thiểu số… được tham gia dự án, dự các lớp tập huấn về kỹ năng sống, cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản…

Triển lãm "Một Tôi khác" là thành quả của 15 nhóm người thiệt thòi trong xã hội, sau bốn tháng làm việc, với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội dân sự để đưa tới công chúng những hình ảnh chân thực nhất, gần gũi nhất về cuộc sống "của Tôi", những khát vọng đâu đó gửi gắm, những tâm tư ẩn chứa và những thay đổi khi có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội.

Trong buổi chiều khi triển lãm vừa khai mạc, giữa rất nhiều người đến tham quan, tôi đặc biệt chú ý đến một người đàn ông tóc đã điểm bạc đi cùng một cậu con trai chừng 15-16 tuổi. Cậu bé tóc nhuộm vàng hoe, mặc chiếc quần bò bạc phếch xẻ ngang dọc. Có lẽ thái độ kiên nhẫn nhưng dứt khoát của ông đã khiến cậu phải ngoan ngoãn đi theo cha xem hết cả 8 chủ đề của triển lãm ảnh. Đến đâu ông cũng đọc thành tiếng những câu chuyện của các nhân vật, dừng lại để ngẫm ngợi, giảng giải. Đến bức ảnh cuối cùng, ông quay sang hỏi con trai: "Con đã có những cái Tôi nào rồi, và còn thiếu những cái nào? Tại sao? Và con sẽ làm gì để có nó?" Cậu bé đứng lặng lẽ…

Buổi tối, khu triển lãm vẫn sáng đèn, rực rỡ và thu hút hơn cả ban ngày. Có nhiều gia đình đến đây đi dạo, những bố mẹ dắt theo con, ông bà đi cùng cháu. Mỗi câu chuyện chân thực và bức ảnh sinh động liền đó trở thành minh họa hữu ích cho mỗi lời nhắc nhở, răn dạy. Nhiều người cao tuổi đi tập thể dục qua đây, ghé vào xem và trò chuyện với nhau rằng, mai phải bảo con cháu mình đến đây, bọn trẻ bây giờ cần phải được xem những bức ảnh này, cần phải biết những câu chuyện như thế này.

Trong cuốn sổ ghi lại cảm tưởng của khách đến tham quan triển lãm, tôi chú ý đến những nét chữ bằng tiếng Anh mềm mại của một nữ du khách người Israel, cô ấy viết đại ý rằng: "Đôi khi bị những người bán hàng rong đeo bám, tôi thấy khó chịu, tức giận và mất kiên nhẫn. Nhờ triển lãm của các bạn, tôi đã thấy được những con người phía sau, tôi sẽ cố gắng mở tấm lòng mình và trân trọng những gì tôi có. Nhìn bức ảnh của cậu bé bán bánh, tôi ước mình có thể mua cho cậu ấy 10 cái".

Những "nhiếp ảnh gia" đặc biệt

Có một bức ảnh kể câu chuyện về mẹ khiến nhiều người cảm động. Đó là bức ảnh của tác giả Lê Thị Ngân - một bạn trẻ 28 tuổi ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì nhưng chỉ nhỏ xíu như một đứa trẻ lớp 1 vì di chứng chất độc màu da cam từ người cha - một người lính đã qua nhiều chiến trường chống Mỹ. Bức ảnh của Ngân chụp một người phụ nữ lam lũ đang còng lưng đẩy chiếc xe đạp chở gạo, cô kể: "Tôi đã chụp hình về mẹ và muốn kể câu chuyện về chính người mẹ đã sinh ra tôi. Mẹ tôi tên Khổng Thị Hạnh, năm nay mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi. Khi sinh con, ai cũng ước con mình khỏe mạnh, khôn ngoan, lành lặn nhưng thật không may mắn, tôi là đứa con đầu lòng, mang nhiều mong đợi nhất của mẹ lại bị khuyết tật, liệt đôi chân dị dạng, không được lành lặn. Nhưng không vì thế mà mẹ miệt thị, hắt hủi, phân biệt đối xử với tôi, thậm chí mẹ còn yêu thương tôi hơn những đứa em của mình. Mẹ đã cực nhọc, khổ sở chắt chiu dành dụm tiền để tìm những bệnh viện chỉnh hình có thể chữa bệnh tật cho tôi. Cái xe đạp cọc cạch duy nhất là phương tiện đi lại cuối cùng mẹ cũng bán để trả tiền thuốc men cho tôi".

Ngân còn chụp nhiều tấm ảnh khác nữa đang được trưng bày ở triển lãm. Ngân kể nếu không tham gia dự án Photovoice, cô sẽ không dám ra đường vì mặc cảm đôi chân của mình, đôi chân một bên ngắn, một bên thẳng đờ như khúc gỗ, mỗi bước đi phải oặt người kéo lê. Nhưng với chiếc máy ảnh trong tay, Ngân như có một cuộc sống khác, cô chụp những người bạn tật nguyền của mình đang tắm cho con bằng đôi bàn tay co quắp, những nụ cười thoải mái, tự tin trong lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản… Hôm trước gọi điện cho Ngân, cô gái nhỏ bé có nụ cười trong sáng ấy vui vẻ bảo tôi: "Chị ơi nói chuyện nhanh nhé, em đang chuẩn bị đón tết Trung thu cho các em nhỏ trong xóm. Mỗi xóm có một đội văn nghệ, lại còn làm kiệu để tối hôm Rằm ra xã chấm điểm nữa. Bây giờ em phải đi mua đồ trang điểm cho các em đã nhé". Cô gái nhỏ ấy biết cắm tỉa hoa, trang trí kiệu, làm đẹp cho đội văn nghệ nhí - những công việc mang lại niềm vui cho cô và nhiều người mà bây giờ cô mới tìm thấy ở mình.

Một bức ảnh được chị Phùng Thị Hậu ở xã Tòng Bạt, Ba Vì chụp là cảnh những đứa trẻ nông thôn, trong đó có con trai chị đang vui đùa bên hồ nước. Chị kể: "Vào một buổi chiều mát mẻ, con trai tôi cùng với mấy đứa trẻ đi ra hồ nước đầu làng xây lâu đài cát, con tôi thiếu thốn tình cảm nên tôi cũng tạo điều kiện để cháu được hòa nhập với bạn bè. Con trai tôi là Phùng Vũ Nam, 13 tuổi, hiện cháu học hết lớp 6 và chuẩn bị lên lớp 7. Cháu được mang họ của tôi. Nhà chỉ có hai mẹ con nên cuộc sống vất vả, chật vật. Nhưng nhìn cháu tôi có thêm động lực phấn đấu vươn lên, cố để nuôi dưỡng cháu lớn khôn bằng bạn bằng bè".

Nhưng bức ảnh đó cũng mới chỉ kể được một phần rất nhỏ cuộc đời cực nhọc của chị Hậu. Chị bị liệt hai chân từ nhỏ, năm nay chị đã bước sang tuổi 45. Những người phụ nữ nông thôn tật nguyền thường khó tìm thấy được hạnh phúc vì không ai có ý định lấy một người đến tự lo cho mình còn khó khăn. 13 năm trước, chị đã "vượt rào" để kiếm một đứa con nhưng vì định kiến và những lời dè bỉu, cả gia đình đều quay lưng lại với chị. Thế là người mẹ tật nguyền đã gắng gượng tìm mọi cách để nuôi con bằng nghề may gia công và bán rau ngoài chợ. Đến giờ con khôn lớn, ngoan ngoãn, người trong gia đình và làng xóm cũng không còn ghẻ lạnh như trước, cuộc sống của chị đã có những ngày thật vui vẻ, hạnh phúc.

Một tác giả đặc biệt khác cũng có mặt trong ngày khai mạc triển lãm là anh Phạm Ngọc Thạch ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm - người đã từng có quá khứ 7 năm nghiện ma túy. Đã 10 năm nay anh thoát khỏi vòng kiềm tỏa của "nàng tiên nâu" nhưng định kiến của người dân quê anh thì vẫn đeo đẳng dai dẳng. Vượt lên tất cả, Thạch làm việc và miệt mài chụp ảnh. Anh chụp cuộc sống quanh mình, những người nghiện và có tiền sử nghiện như mình. Anh muốn mọi người hiểu khát vọng quay lại cuộc sống lương thiện của các anh cũng như những khó khăn chồng chất bởi kỳ thị của xã hội…

Còn rất nhiều những "nhiếp ảnh gia" đặc biệt khác nữa mà trong khuôn khổ một bài viết khó mà nhắc đủ. Nhưng có thể khẳng định, những tác phẩm của họ không chỉ thể hiện được "Một Tôi khác", mà hơn hết, nó còn có những tác động không nhỏ vào định kiến xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Một Tôi khác”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.