Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một tấm gương sáng

Phạm Kim Thanh| 04/02/2013 07:22

(HNM) - Do duyên nghiệp hay là sự may mắn, tôi được nghe nhiều người kể về ông, và những câu chuyện bao giờ cũng kết thúc bằng sự thán phục. Ông là Khuất Duy Tiến, người con ưu tú của quê hương Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).


Những người cùng hoạt động ở Hà Nội trìu mến đặt cho ông Khuất Duy Tiến biệt hiệu, thân quen đến nỗi, nhắc đến ông, nhất định phải gọi đủ cả biệt hiệu, ông Tiến “to đầu”. Làng Thuần Mỹ, xã Thuần Mỹ, tổng Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện cũ (nay là xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) quê hương ông là một trong những cái nôi sinh ra anh tài của xứ Đoài. Sinh ngày 6-3-1910 trong gia đình có điều kiện, từ tuổi 17 khi đang học ở trường Bưởi, ông đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh Hà Nội. Tham gia vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, năm 1928, thực hiện chủ trương của Đại hội Thanh niên, ông đi Vô sản hóa ở thành phố Nam Định cùng với ông Mai Lập Đôn, bà Mai Thị Vũ Trang để tuyên truyền công nhân thành Nam và tự rèn luyện trong thực tiễn cách mạng. Chính tại mảnh đất này, ông đã gia nhập Đông Dương cộng sản Đảng. Tháng 3-1930, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nam Định, sau đó ông được giao trách nhiệm phụ trách các Đảng bộ Nam Định, Thái Bình. Cuối năm 1930, ông được Đảng tín nhiệm bầu vào ủy viên Thường vụ xứ ủy Bắc kỳ, phụ trách khu vực Hải Phòng. Tháng 4-1931, một loạt cán bộ của Đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… bị bắt do sự phản bội của Nghiêm Thượng Biền. Ông Khuất Duy Tiến cũng bị địch bắt đợt này và bị đày đi Côn Đảo. Đường cách mạng chông gai thử thách bản lĩnh, ý chí của người chiến sĩ nguyện chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Con đường mang tên nhà cách mạng Khuất Duy Tiến tại Hà Nội.


Sáu năm ở địa ngục trần gian, học tập và rèn luyện ngay trong nhà tù, năm 1936, ông trở về Hà Nội, lao vào cuộc chiến đấu mới: đòi tự do dân chủ cơm áo hòa bình. Trong Hồi ký Mặt trận dân chủ Đông Dương, ông Trần Huy Liệu viết: Các anh Khuất Duy Tiến, Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang, Đặng Châu Tuệ, Tống Phúc Chiểu… nhập ngay với nhóm Le Traivail… Tờ báo Le Travail đã trở thành diễn đàn rộng rãi của nhân dân tố cáo những áp bức của bọn cầm quyền Pháp và các quan lại địa phương”. với sự uyên bác và tài diễn thuyết, ông Khuất Duy Tiến đã có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh công khai của Đảng trên mặt trận báo chí, nghị trường thời đó. Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta, ngày 24-4-1937, Hội nghị báo giới Bắc kỳ với 200 đại biểu được tổ chức ngay tại Hà Nội và diễn giả không ai khác là ông Hải Triều, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến. Sau đó, hội nghị đã làm kiến nghị, gửi sang chính phủ Pháp, đòi tự do báo chí, đòi người làm báo được hoạt động rộng rãi trong nghề nghiệp của mình. Ngày 9-6-1937, Hội nghị báo giới họp lần thứ hai với 137 đại biểu báo giới Trung - Nam - Bắc để bàn việc thành lập nghiệp đoàn và bầu Ban trị sự. Các đại biểu do nhóm báo công khai của Đảng đưa ra đã thắng thế ở Ban trị sự, trong đó có ba đại biểu nhà báo cách mạng là Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến. Trong không khí đấu tranh đòi tự do dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng dâng cao, Mặt trận dân chủ Đông Dương do nhóm hoạt động công khai của Đảng làm trụ cột đã ra đời tháng 3-1938. Báo Tin tức, cơ quan ngôn luận của Đảng có trụ sở ở 105 phố H. D’Orlean (nay là phố Phùng Hưng). Ông Khuất Duy Tiến tham gia vào tòa soạn báo Tin tức. Ông Trần Huy Liệu đã tự trào và hài hước khi kể: Đảng phụ cấp cho các ông ở tòa soạn 4 đồng Đông Dương một tháng; nhưng không phải ai cũng được như vậy. “Khuất Duy Tiến có một chị nuôi giàu thì không những không được tiền phụ cấp, mà còn phải góp tiền thêm để trả tiền in báo”.

Năm 1939, ông bị địch bắt, rồi bị đày lên Bắc Mê (Sơn La) rừng thiêng nước độc. Nhưng từ những hạt giống đỏ đầu tiên do ông gieo trồng, tháng 5-1940, tổ thanh niên phản đế Thuần Mỹ gồm 7 người được thành lập ngay tại gia đình ông Nguyễn Huy Phường (sau này ông đổi tên là Lê Hiến Mai). Ông Phan Trọng Tuệ là người phụ trách tổ chức này. Từ đây, phong trào cách mạng đã lan rộng ra các làng Bách Lộc, Tuy Lộc, Trạch Lôi, Phụng Thượng… Và ngày 1-9-1940, chi bộ đảng đầu tiên của Phúc Thọ được thành lập; ông Phan Trọng Tuệ làm Bí thư, ông Nguyễn Huy Phường và bà Khuất Thị Bảy là đảng viên của chi bộ. Ngày nay, nhân dân xã Trạch Mỹ Lộc vẫn ghi nhớ công lao của ông Khuất Duy Tiến, người cán bộ đã nhen lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở chính quê hương mình, đưa tới sự ra đời của chi bộ đầu tiên của Phúc Thọ.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông Khuất Duy Tiến cùng các đồng chí của mình thoát khỏi ngục tù, về với Đảng, với dân. Về đất Thăng Long - Hà Nội, ông tích cực hoạt động cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang tới rất gần. Lấy bí danh là Cát, ông vận động nhân dân nội thành, nhất là những nhà tư sản dân tộc yêu nước, ủng hộ Việt Minh. Đồng thời, ông tham gia hoạt động của nhóm Văn hóa Cứu quốc khi ra báo Tiên phong. Theo anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: “Để chuẩn bị cho số báo đầu tiên, cha tôi đã đưa các đồng chí của mình về quê họp bàn và biên tập bài vở. Ngôi nhà năm gian ở quê chúng tôi mà giờ đây vẫn còn giữ nguyên được hình hài, chính là nơi chứng kiến cha tôi cùng các đồng chí Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Thi, Như Phong, Nguyễn Hữu Đang bí mật vào ra với những chỉ thị của Đảng, những truyện ngắn, bài thơ, tiểu luận có nội dung tiến bộ mà các ông gom góp hoặc tự mình viết cho tờ báo”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 30-8-1945, ông được tín nhiệm cử làm Phó Chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội. Năm 1946, ông là Bí thư Thành bộ Việt Minh của Hà Nội. Ông vận động các nhà công thương như Trịnh Văn Bô, Lợi Quyền, Vương Thị Lai… tích cực tham gia Tuần lễ vàng (tháng 9-1945) để ủng hộ tài chính cho Đảng. Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH, ông là một trong năm đại biểu do Mặt trận Việt Minh tỉnh Sơn Tây giới thiệu (Lê Văn Hòe, Đào Trọng Kim, Nguyễn Quốc Hồng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Văn Thái) và trúng cử vào Quốc hội với số phiếu bầu cao. Những lúc thế nước gian nan, địch xuyên tạc chủ trương ký Hiệp định sơ bộ, dân Hà Nội luôn thấy ông Trần Huy Liệu, đại diện cho Tổng bộ Việt Minh và ông Khuất Duy Tiến, đại diện cho Thành bộ Việt Minh, đi tuyên truyền, nói chuyện để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa sâu sa của việc ký Hiệp định sơ bộ. Tháng 10-1946, ông được phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ khu XI, giúp ông Nguyễn Văn Trân là Chủ tịch, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến của Mặt trận Hà Nội. ngày 12-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm ông làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, kiêm Phó Cục trưởng Cục Chính trị Bộ Quốc phòng, kiêm Trưởng phòng Dân quân toàn quốc của Cục Chính trị. Với trọng trách được giao, chỉ trong vòng một tuần, ông đã giúp cho Bộ quốc phòng ra thông tư tổ chức hệ thống dân quân từ các quân khu xuống các tỉnh, thành, huyện đội, xã đội. Sau khi tổ chức dân quân được củng cố và kiện toàn, Hội nghị dân quân toàn quốc đã được tiến hành từ ngày 25 đến 27-5-1947. Từ đây, phong trào chiến tranh du kích phát triển, đánh địch trong lòng địch, phá tề, trừ gian…

Kháng chiến càng gian nan, càng thử thách tài năng, bản lĩnh của người cán bộ cách mạng. Dù làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội (giữa năm 1947), hay làm Ủy viên Thường vụ Thành ủy (giữa năm 1949) và phụ trách báo Cứu quốc Thủ đô, ông đều năng nổ, nói đi đôi với làm.

Hà Nội được giải phóng mùa thu 1954, “lớp lớp đoàn quân tiến về” trong niềm hân hoan vô bờ. Tháng 11-1954, thành phố kiện toàn tổ chức, ông Trần Duy Hưng là Chủ tịch, các ông Trần Danh Tuyên, Khuất Duy Tiến, Trần Văn Lai, Hà Kế Tấn, Lê Quốc Thân là ủy viên Ủy ban hành chính thành phố. Công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo văn hóa xã hội rất cần những người am hiểu sâu sắc thành phố, chủ động, sáng tạo, tận tâm với dân. Ông có những phẩm chất ấy nhưng di hại của những năm bị địch tù đày ở Côn Đảo, Sơn La đã kịch phát thành bạo bệnh, ông mất ngày 11-2-1984.

Thành ủy Hà Nội đã đánh giá cao cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng: “Chúng ta không quên hình ảnh đồng chí Khuất Duy Tiến ngày đêm tận tụy với công tác; làm việc không nề mệt nhọc, khó khăn; mang hết sức lực và tài năng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nêu một tấm gương sáng về lòng trung thành, tinh thần trách nhiệm năng động và phẩm chất trong sáng của người chiến sĩ cộng sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một tấm gương sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.