Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một tác phẩm thiết thực, hữu ích

Cao Hải Giang| 16/09/2015 06:00

LTS: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật vừa tái bản có bổ sung cuốn


Cuốn sách gồm 11 chương, tiếp cận công tác tư tưởng ở nhiều góc độ, từ vai trò của văn hóa, văn nghệ, những khía cạnh tâm lý xã hội trong công tác tư tưởng; vai trò của lý luận, nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác tư tưởng; vấn đề đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học... Trong đó, với vai trò của người chủ biên, Bí thư Thành ủy Hà Nội - TS Phạm Quang Nghị là tác giả của 3 chương, gồm chương II "Sức sống của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đổi mới, phát triển lý luận", chương III "Cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn hiện nay" và chương X "Rèn luyện kỹ năng và nghệ thuật nói để làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động". Bên cạnh đó là bài viết của các chuyên gia, nhà báo như nhà báo Hữu Thọ, PGS Hà Ngọc Hợi, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Trọng, TS Hồ Văn Chiểu, PGS.TS Nguyễn Hải Khoát, PGS.TS Nguyễn Quang Uẩn, TS Phạm Chiến Khu và các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung, Trần Đình Nhĩ.

Cuốn sách được tái bản có bổ sung góp phần làm phong phú thêm lý luận cũng như nghiệp vụ của lĩnh vực hết sức quan trọng là công tác tư tưởng.


Cuốn sách đã nêu bật những vấn đề hết sức căn bản như công tác tư tưởng gồm những bộ phận nào; với từng bộ phận gồm nghiên cứu lý luận, công tác tuyên truyền giáo dục, công tác cổ động thì nội hàm ra sao, cách thức thực hiện thế nào? Vì sao hoạt động thuộc "lĩnh vực sản xuất tinh thần" vốn luôn chiếm vị trí quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng giành và giữ chính quyền, nay càng trở nên đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập?...

Còn rất nhiều nội dung thiết yếu khác, chắc hẳn không thể thiếu trong "cẩm nang" của người làm công tác tư tưởng, cũng được chuyển tải dễ hiểu, thuyết phục trong cuốn sách này. Trong đó, đáng chú ý là luận điểm làm công tác tư tưởng thì phải nắm rõ sức sống tư tưởng xã hội chủ nghĩa và những vấn đề của "Đấu tranh tư tưởng trong điều kiện hiện nay". TS Phạm Quang Nghị viết: "Cuộc đấu tranh lý luận đang diễn ra không phải là mới lạ. Có khác chăng chỉ là ở nội dung, hình thức và quy mô của cuộc đấu tranh", và "Ngày nay nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta không phải chỉ là nghiên cứu, trao đổi, nhận thức lại học thuyết Mác - Lênin, mà còn phải hết sức chú trọng phát triển lý luận đó".

Có thể nói, bên cạnh những vấn đề chung, mang tính khái quát, cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng" cũng cho thấy những góc tiếp cận sinh động làm nổi bật tinh thần, đặc điểm, chức năng của hoạt động thuộc "lĩnh vực sản xuất tinh thần" hết sức quan trọng này. Bạn đọc sẽ gặp lại một cây đại thụ của làng báo - nhà báo Hữu Thọ (người vừa rời xa chúng ta ở tuổi 84) qua chương IV "Một số vấn đề về lãnh đạo và quản lý báo chí trong thời kỳ mới". Những nhà quản lý báo chí, người làm báo - đối tượng trực tiếp tham gia vào hoạt động "tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể" - sẽ tìm thấy những nội dung thiết thực như "Sự hiểu biết mới về tính chân thật" và "Báo chí phải đi vào hạch toán kinh tế, tự lực vươn lên và phát triển, nhưng phải giữ vững định hướng chính trị". Bên cạnh đó là những vấn đề không kém phần quan trọng khác như "Những khía cạnh tâm lý - xã hội trong công tác tư tưởng", "Nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác tư tưởng"...

Cũng phải kể đến bài viết đáng chú ý là "Vai trò của văn hóa, văn nghệ trong công tác tư tưởng". PGS.TS Nguyễn Nghĩa Trọng chỉ rõ: "Công tác tư tưởng của Đảng như đã nói là phải góp sức xây dựng con người mới. Muốn xây dựng con người mới từ những con người bình thường thì phải thật hiểu con người... Tìm hiểu, phát hiện thế giới tâm hồn, những vận động của đời sống tinh thần, những tư tưởng, tình cảm con người trong những biến thiên xã hội, hướng con người đến những vẻ đẹp nhân văn, tác động mạnh mẽ đến sự hoàn thiện nhân cách vốn là chỗ mạnh nhất của hoạt động văn học, nghệ thuật chân chính. Vai trò, tác dụng của văn học nghệ thuật trong công tác tư tưởng chính là chỗ đó".

Sẽ là thiếu sót lớn nếu nói về cuốn sách này mà không đề cập tới những bài viết có tính chia sẻ, chắt lọc thực tiễn, thực sự bổ ích cho người làm công tác tư tưởng như "Rèn luyện kỹ năng và nghệ thuật nói để làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động" của TS Phạm Quang Nghị; "Rèn luyện kỹ năng soạn thảo văn bản về công tác tư tưởng" của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung... Thật lý thú khi đọc những lời sẻ chia chân thành, thẳng thắn và gần gũi như: "Ngày nay, trình độ tri thức và nhận thức của người nghe cao hơn trước nhiều. Mọi người cũng rất quý thời gian và rất tinh tường trong đánh giá đối với diễn giả... Phải luôn luôn thể hiện tôn trọng người nghe, nhưng không nên tỏ ra khiêm tốn một cách giả tạo...", hay "Bệnh nói dai, nói dài là tối kị đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền"...

Với gần 300 trang sách, cuốn "Một số vấn đề lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng" của tập thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo... do TS Phạm Quang Nghị chủ biên thực sự là một tài liệu thiết thực cho cán bộ, đảng viên, bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một tác phẩm thiết thực, hữu ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.