Sáng 31-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng.
UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch
Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (4 chính sách); quản lý đầu tư (6 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).
Trong đó, 2 chính sách tương tự hoàn toàn đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác; 8 chính sách tương tự đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương khác, có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tỉnh Nghệ An hoặc tương tự dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chính sách tương tự dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm: HĐND tỉnh Nghệ An xem xét, quyết định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi vùng phụ cận tiếp giáp các điểm kết nối giao thông và các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch; được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần diện tích đất vùng phụ cận được thu hồi để phục vụ tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.
Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Trong 14 nhóm chính sách, đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết quy định UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch; HĐND thành phố Vinh được thành lập 3 ban, có không quá 2 Phó Chủ tịch và không quá 8 đại biểu hoạt động chuyên trách; UBND thành phố Vinh có không quá 4 Phó Chủ tịch.
Báo cáo thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng cần bám sát hơn nữa Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị: “Có cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm”; các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa; các chính sách cần thể hiện tính đột phá hơn nữa; cần chú trọng hơn nữa tính hợp lý, khả thi, hiệu quả của chính sách; cần hoàn thiện các quy định về điều kiện bảo đảm triển khai.
30 chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả. Đồng thời điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Về các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, trong 9 chính sách đề xuất có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 2 chính sách đề xuất mới.
Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm gồm 21 chính sách, trong đó có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của thành phố và 5 chính sách đề xuất mới.
Trong đó, quy định cho phép được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư được nghiên cứu từ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện, cần cân nhắc thêm một số vấn đề: Chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách đã rõ về căn cứ thực tiễn, rõ về nội hàm; cần có các chính sách thực sự mang tính đặc thù riêng biệt, tương thích với đặc điểm riêng về vị trí địa lý, lợi thế về tiềm năng kinh tế, con người; đối với những cơ chế, chính sách hiện nay đã được áp dụng cho các địa phương khác, cần tiếp tục rà soát, tính toán và giải trình cụ thể để làm rõ hơn về sự cần thiết và tính khả thi khi áp dụng.
*Ngày 31-5, thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu Lê Nhật Thành, Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) đều cho rằng, cần bổ sung nội dung tổng kết thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua, trong đó có nội dung triển khai chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị để dự báo những vấn đề phát sinh, là cơ sở bổ sung quy định tại dự thảo nghị quyết. Đối với đề xuất thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về khu thương mại tự do như quy hoạch, môi trường…
Còn đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) đề nghị rà soát lại hai nghị quyết với các quy định pháp luật hiện hành, một số chính sách đã được pháp luật hiện hành quy định thì không nên quy định lại tại dự thảo nghị quyết. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rà soát và quy định cơ chế, chính sách đặc thù một cách tổng thể tại hai dự thảo nghị quyết, trong đó có quy định về việc đề xuất tăng cường bộ máy và biên chế cho thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An); về quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường tại dự thảo nghị quyết chính sách đặc thù thành phố Đà Nẵng bảo đảm nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước và tạo sự bình đẳng với các địa phương khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.