(HNM) - Ngoài các bệnh viện của 15 tỉnh, thành phố chưa thực hiện giá viện phí mới (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Đắk Lắk, Gia Lai, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa), các địa phương còn lại đã thực hiện thu viện phí mới hoặc bắt đầu thu theo giá mới từ ngày 1-8.
Nhiều địa phương chỉ đề xuất tăng giá gần 200/447 dịch vụ y tế. 6 bệnh viện tuyến trung ương (Bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức, Phổi trung ương, Huyết học và Truyền máu trung ương, Ung bướu trung ương và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí của Quảng Ninh) cũng đã bắt đầu triển khai giá viện phí mới theo khung giá Bộ Y tế vừa phê duyệt. Đây là 6/22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã gửi đề xuất điều chỉnh khung giá viện phí và dịch vụ của các bệnh viện này ở mức 90-100% khung được liên bộ Tài chính - Y tế cho phép (còn 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chưa gửi đề xuất để thẩm định).
Ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cho biết, từ ngày 16-7, bệnh viện đã bắt đầu thực hiện thu theo mức viện phí mới đối với 180 dịch vụ y tế, còn hàng trăm thủ thuật, phẫu thuật có chi phí lớn vẫn giữ nguyên giá cũ. Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã áp dụng giá viện phí mới đối với toàn bộ 447 dịch vụ y tế được Bộ Y tế cho phép. Giá khám bệnh được thu ở mức tối đa là 20.000 đồng/lần, tiền giường 70.000 đồng/ngày/người. Bộ Y tế, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ việc áp dụng mức giá viện phí mới. Bệnh viện nào không thực hiện đúng sẽ buộc phải giảm giá dịch vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.