(HNM) - Sự việc đau lòng của bé gái bị chết tại Trường Mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ (Long Biên) lại một lần nữa làm dấy lên mối quan tâm
Theo quy định của Nhà nước, người mẹ sau 6 tháng sinh con sẽ trở lại làm việc. Trong khi đó, tại các trường mầm non công lập hiện nay do cơ sở vật chất có hạn nên hầu hết chỉ nhận trẻ từ 3 tuổi. Điều này đã và đang dẫn tới một thực tế, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi từ 6 đến 24 tháng tuổi phải tự vật lộn để tìm nơi gửi con, còn ngành giáo dục đang "buông lơi" một lứa tuổi đầu đời rất quan trọng này.
Tình trạng thiếu trường mầm non là vấn đề các cấp chính quyền cần quan tâm.Ảnh: Phương Thảo |
Vì sao lứa tuổi mầm non - độ tuổi được các nhà khoa học ví như "giai đoạn vàng" trong quá trình phát triển của mỗi con người lại vẫn còn "khoảng trống"? Tìm hiểu, được biết, do trước đây, trong Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao có nội dung: không cho phép tiếp tục xây thêm trường mầm non công lập ở vùng kinh tế - xã hội không thuộc diện đặc biệt khó khăn. Và, chỉ tiêu định hướng đến năm 2010, tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%... Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011 quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, thì giáo dục mầm non mới được quan tâm đầu tư. Điểm nổi bật của quyết định này là thay vì xã hội hóa, ngân sách nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách phát triển giáo dục và yêu cầu các địa phương bảo đảm quy hoạch diện tích đất để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non. Được tháo gỡ về cơ chế, trong các năm 2011-2012, Hà Nội đã tập trung xây dựng các trường mầm non công lập. Ngay trong năm 2013, thành phố đã triển khai 8 dự án xây dựng trường mầm non ở các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và đến thời điểm hiện tại nhiều trường đã được khánh thành để đón học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng trên địa bàn Thủ đô, số trẻ mầm non đang theo học ở các cơ sở ngoài công lập vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các độ tuổi. Bên cạnh đó, hầu hết các lớp học mầm non tại các trường công lập đều có số trẻ nhiều hơn so với quy định. Thiếu trường học cho lứa tuổi mầm non từng là vấn đề "nóng" được các đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn tại các kỳ họp. Thừa nhận thực trạng này trước HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc bố trí các trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ theo yêu cầu, trong khi dân số cơ học tăng quá nhanh, có nơi dân số tăng gấp 2 lần dẫn đến quá tải về chỗ học mầm non.
Trường học cho trẻ mầm non trong độ tuổi còn thiếu, mặt khác, những chính sách ưu tiên phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi cũng khiến tỷ lệ trẻ đến trường, nhất là dưới 3 tuổi ngày càng thấp. Thực tế cho thấy, đã có lúc, có nơi, giáo dục trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi chưa nhận được sự quan tâm thấu đáo của các cơ quan chức năng. Đây thực sự là "khoảng trống" cần lấp đầy trong giáo dục mầm non hiện nay. Để không bỏ lỡ cơ hội phát triển cho trẻ, thiết nghĩ, trước mắt các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa mức kinh phí dành riêng cho trẻ lứa tuổi nhà trẻ để khuyến khích các trường công lập nhận trẻ dưới 2 tuổi. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện xã hội hóa tại các cơ sở mầm non ngoài công lập để bảo đảm các trường hoạt động theo đúng tiêu chuẩn, giúp các bậc phụ huynh yên tâm khi gửi con tại đây.
Khi bàn về giáo dục mầm non, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh từng nói: "Việc xây dựng trường phải phù hợp với mạng lưới dân số. Người dân tin vào trường công là do cơ sở vật chất, đội ngũ bài bản hơn, mức học phí dễ chịu hơn. Điều quan trọng nhất là thành phố phải đáp ứng được lòng tin đó của người dân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.