Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một người Việt uống gần 170 lít bia mỗi năm

Theo VnExpress| 08/06/2018 21:34

Theo WHO, trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất mỗi năm, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia.


Mức tiêu thụ đồ uống có cồn đang tăng nhanh tại Việt Nam. Ảnh: Au.k


Trong một thập kỷ, mức tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng 118%, hiện đứng thứ 64 thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sáng 8-6. Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, năm 2005, trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 3,8 lít cồn nguyên chất mỗi năm. Năm năm sau, con số này tăng lên 6,6 lít. Năm 2017, mỗi người Việt trên 15 tuổi bình quân uống 8,3 lít cồn nguyên chất.

Một lít cồn nguyên chất tương đương 2,5 lít rượu hoặc 20 lít bia. Như vậy một người Việt uống 8,5 lít cồn, tức khoảng 21 lít rượu hoặc 170 lít bia. Tuy vậy, không phải người trên 15 tuổi nào cũng uống bia rượu. Do đó theo các chuyên gia, mức cồn trung bình trên người uống bia rượu thực tế cao hơn con số 8,5 lít. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, ở Việt Nam chủ yếu đàn ông uống rượu bia, nữ giới sử dụng rất ít. Đặc biệt, có đến hơn một nửa nam giới uống nhiều bia rượu ở mức nguy hại (trung bình 6 cốc bia hơi cho một lần ngồi uống).

Việt Nam hiện xếp thứ 3 Châu Á cùng với Thái Lan về mức tiêu thụ rượu bia, sau Hàn Quốc, Lào và cao hơn nhiều nước khác như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ...

Việt Nam đang soạn thảo dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia. Dự luật gồm 6 chương, 22 điều, trong đó có đề xuất các biện pháp giảm tác hại, giảm mức tiêu thụ, kiểm soát việc cung cấp rượu bia... Dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào tháng 8.

WHO nhấn mạnh, phòng ngừa tác hại của rượu bia bằng cách kiểm soát giá, thuế; quảng cáo, khuyến mại, tài trợ; cấp phép các điểm bán và thời gian bán. Kiểm soát giá được coi là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát, giảm tiêu thụ rượu bia. Nghiên cứu cho thấy, nếu tăng giá bán 25% thì giảm 11% nhu cầu sử dụng rượu bia.

Nhiều nước hiện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có cồn. 50% quốc gia quy định điểm bán, giờ bán. Tại Thuỵ Điển, nhà nước độc quyền cung cấp rượu bia thông qua 431 điểm bán; chỉ mở cửa từ 10h sáng đến 6h chiều. Tại Phần Lan, nhà nước cũng độc quyền tại hơn 300 điểm bán.

Rượu bia là đồ uống có khả năng gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tùy thuộc vào giới, tuổi, đặc điểm sinh học, mức độ, cách uống... Dù chỉ uống dưới một lon bia 330ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến 7 loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Rượu bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác.

Chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, trong đó có 5 bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, đại trực tràng, khoang miệng, dạ dày, vú) lên tới hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Khoảng 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần dành điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ước tính gần 1 tỷ USD năm 2010.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một người Việt uống gần 170 lít bia mỗi năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.