Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Vẫn chưa thấy hồi kết

Quỳnh Dương| 24/02/2023 07:04

(HNM) - Đúng ngày này năm ngoái, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bùng nổ, kéo theo nhiều hệ lụy về an ninh, kinh tế đối với khu vực và toàn thế giới. Sau 1 năm giao tranh liên tiếp, hai bên chưa đạt được tiến triển trên bàn đàm phán và chưa có dấu hiệu thực sự về một hồi kết cho cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ II.

Một khu vực tại thủ đô Kiev (Ukraine) trúng tên lửa trong cuộc xung đột.

Bước sang năm thứ 2, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục và dường như chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Không bên nào đạt được những bước đột phá lớn có thể làm thay đổi cục diện, hoặc bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán. Ukraine từng nhiều lần tuyên bố không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ trong một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga. Còn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thỏa hiệp dường như không phải là một sự lựa chọn.

Theo các nhà phân tích, đến thời điểm này, cuộc xung đột không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây đã gây tổn thương cho nền kinh tế Nga. Về phía Ukraine, giao tranh ác liệt cũng tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ukraine ước tính giảm 1/3 vào năm 2022. Chi phí tái thiết dự kiến vượt hơn 1.000 tỷ USD. Hàng triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cuộc xung đột cũng khiến nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi đã bị tổn hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực năng lượng, vì Nga là một nhà cung cấp hàng đầu thế giới, các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là việc áp mức trần giá dầu xuất khẩu của Nga do Liên minh châu Âu (EU) ban hành, đã ngăn chặn phần lớn lượng dầu và khí đốt từ nước này tới Cựu lục địa. Việc Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung đã đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng gấp ba lần so với thời điểm trước xung đột.

Bên cạnh đó, trước xung đột, Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lương thực hàng đầu cho châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á - nơi nhiều người đang phải đương đầu với tình trạng mất an ninh lương thực. Xung đột bùng nổ đã làm gián đoạn nguồn cung, đẩy giá lương thực lên cao, bất chấp nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc nối lại thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc giữa Nga và Ukraine qua Biển Đen. Giá lương thực quá cao đang gây ra không ít khó khăn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt với người có thu nhập thấp. Hậu quả là một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã xuất hiện. Những cuộc biểu tình liên quan đến giá cả và chi phí sinh hoạt đang có nguy cơ tiếp tục leo thang, có thể trở thành các cuộc khủng hoảng chính trị.

Mới đây, Tổng thống Nga V.Putin còn tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) đã ký với Mỹ năm 2010 và được gia hạn năm 2021. Động thái này được cho là đã đưa mối quan hệ của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo nội dung của New START, Mátxcơva và Washington cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và tối đa 700 tên lửa tầm xa cùng máy bay ném bom.

Ngoài ra, Hiệp ước quy định việc giám sát chung kho vũ khí hạt nhân được triển khai của mỗi bên cũng như điều phối thông qua một ủy ban tư vấn song phương. Đây là văn bản có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Vì vậy, việc Nga đình chỉ tham gia New START khiến dư luận thế giới lo ngại sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc.

Xét những gì đang diễn ra, nhiều nhà phân tích nhận định, một thỏa thuận ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine khó có thể sớm được nối lại. Đối với dân thường hai nước, xung đột kéo dài đồng nghĩa “thảm kịch” với những nỗi đau mất người thân và cảnh ly hương sẽ không biết đến bao giờ mới kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm xung đột Nga - Ukraine: Vẫn chưa thấy hồi kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.