(HNM) - Afghanistan đã trải qua một năm đầy khó khăn, thách thức kể từ khi lực lượng quân đội Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản quốc gia Nam Á này. Cụ thể, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn hơn bởi viện trợ bị cắt giảm cùng các lệnh trừng phạt ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.
Quan ngại hơn, tình trạng mất an ninh lương thực, nền giáo dục giới hạn đối với trẻ em gái cùng bóng ma khủng bố đang là những thách thức trong việc đưa Afghanistan tiến vào con đường ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại quá khứ, sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, Afghanistan đã đạt được nhiều tiến bộ trong hai thập kỷ qua. Các phương tiện truyền thông độc lập đã phát triển mạnh mẽ dưới thời các cựu Tổng thống Hamid Karzai và Ashraf Ghani, nhân quyền đã được cải thiện đáng kể, số lượng trẻ em gái đi học và số trường đại học ngày càng tăng. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và đồng minh rút quân, Taliban đã khiến cả thế giới bất ngờ khi chiếm được thủ đô Kabul vào ngày 15-8-2021.
Ngoài tác động địa chính trị của việc Taliban trở lại nắm quyền, cuộc sống của người dân Afghanistan đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn. Trong mười hai tháng qua, những thành tựu trên phần lớn bị đảo ngược. Taliban đã không thực hiện hầu hết các lời hứa của họ theo thỏa thuận Doha năm 2020, đặc biệt là các bé gái từ lớp 6 không được phép đến trường, hạn chế vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Nền kinh tế Afghanistan phải chịu sức ép rất lớn, do quốc gia này đang bị các chính phủ nước ngoài cô lập và từ chối công nhận lực lượng cầm quyền. Các khoản viện trợ phát triển mà đất nước từng phụ thuộc rất nhiều đã bị cắt giảm do cộng đồng quốc tế muốn gây sức ép lên Taliban về vấn đề tôn trọng quyền của người Afghanistan, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ.
Trước khi Taliban nắm chính quyền Afghanistan vào tháng 8-2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan và chiếm 80% ngân sách của nước này. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã "đóng băng" gần 9 tỷ USD tài sản của Afghanistan. Taliban đang yêu cầu các nước trả lại 9 tỷ USD trên nhưng các cuộc đàm phán với Mỹ gặp phải nhiều trở ngại.
Trong khi đó, hàng triệu người Afghanistan không có việc làm và tài khoản ngân hàng của họ bị đóng băng. Nhiều người đang phải bán tài sản để mua thực phẩm, trong khi khu vực thành thị lần đầu tiên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ tương tự như nông thôn. Khoảng 25 triệu người Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, chiếm hơn một nửa dân số nước này. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở nước này.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định Afghanistan có thể sớm trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và các tổ chức cực đoan. Theo đánh giá của Tướng Mark A.Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, có thể mất khoảng hai năm để các tổ chức khủng bố tuyển dụng, đào tạo và triển khai các chiến binh ở nước ngoài để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Một số nhà quan sát cho rằng, tình hình hiện tại ở Afghanistan tương tự như kịch bản địa chính trị cuối những năm 1990. "Taliban từng có quan hệ với các phần tử khủng bố quốc tế. Việc họ trở lại nắm quyền đã khuyến khích các tổ chức thánh chiến trong khu vực và có thể tác động đến hòa bình, an ninh trong khu vực và hơn thế nữa", ông Farid Amiri, cựu quan chức Chính phủ Afghanistan nhận định trên tờ DW.
Bức tranh ảm đạm ở Afghanistan chỉ một năm sau khi Mỹ rút quân khiến cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm và không tránh khỏi lo ngại. Người dân Afghanistan vẫn phải đối mặt với giá cả leo thang, tình trạng thất nghiệp gia tăng và mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn khi mùa đông tới ngày càng gần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.