(HNM) - Năm 2020 sắp đi qua, để lại dấu ấn khá toàn diện về sự "vượt khó" của nền kinh tế, với những chỉ số vĩ mô được bảo đảm. Trong đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát đã và sẽ được khống chế ở mức tăng dưới 4% như Quốc hội đã đề ra từ đầu năm.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 vừa qua giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI cả nước tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm rất thấp, không đáng kể, vẫn là tiếp theo đà tăng thấp hoặc suy giảm chủ yếu do sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ không cao vì ảnh hưởng từ dịch bệnh và thu nhập của người dân giảm.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), giá xăng dầu nhìn chung biến động theo hướng giảm trong năm đã tác động tích cực lên mặt bằng giá, giúp khống chế đà tăng CPI nói chung. Trong khi đó, nhu cầu du lịch, giải trí; giá dịch vụ lưu trú và nhà hàng cũng giảm rất rõ do thực hiện giãn cách xã hội khiến chỉ số giá của nhóm này giảm. Như vậy, dịch Covid-19 đã “cô lập” một số lĩnh vực, cản trở đà tăng CPI năm 2020.
Tương tự, chỉ số giá của nhóm giao thông cũng không thể tăng cao bởi nhu cầu đi lại giảm, nhất là với phương tiện đường sắt và hàng không (trung bình, giá vé tàu hỏa giảm 2,16% và máy bay giảm gần 35% trong năm 2020).
Ở góc độ điều hành vĩ mô, Chính phủ luôn chỉ đạo đúng đắn, kịp thời nhằm khống chế đà tăng CPI ngay từ đầu năm. Cụ thể, Chính phủ triển khai hàng loạt gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như giảm giá điện; bảo đảm cung - cầu thịt lợn, kiềm chế đà tăng giá... góp phần đáng kể vào mục tiêu khống chế lạm phát.
Đặc biệt, những nỗ lực khống chế CPI cũng góp phần quan trọng vào việc bảo đảm đời sống người dân, giữ an sinh xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Na, ở phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), mặc dù gặp khó khăn, thu nhập không tăng nhưng khả năng chi tiêu của nhiều gia đình vẫn duy trì mức ổn định, chủ yếu do giá cả thị trường không có sự đột biến; đặc biệt là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và giao thông.
Song, để tiếp tục kiềm chế tăng giá vẫn cần giải pháp đối phó với các nguy cơ tiềm ẩn. Đó là khả năng thiếu nguồn cung cục bộ trong trường hợp thiên tai xảy ra đột ngột, các diễn biến khó lường trên thị trường nhiên liệu quốc tế...
Thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng và đứt gãy các chuỗi cung ứng, kìm hãm hoạt động sản xuất. Điều đó đồng nghĩa với việc sức cầu về năng lượng, nhất là xăng, dầu vẫn đang bị đứng ở mức thấp, không thể nhanh chóng hồi phục như trước khi có dịch. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang vào đợt bán hàng cuối năm với nhiều hình thức khuyến mại, thuận lợi cho người dân mua sắm nhưng không còn nhiều dư địa để tăng giá đột biến.
Từ tổng hòa của thực tế và dự báo tình hình nói trên, có thể khẳng định, CPI cả năm 2020 sẽ tăng dưới mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.