(HNM) - Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ở nước ta tuy vẫn còn ở mức cao nhưng đã được cải thiện đáng kể nhờ rất nhiều hoạt động mang tính xã hội với sự góp sức của nhiều lực lượng.
Những con số đáng lo ngại
Trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng SDD nghiêm trọng. Lý do chính được các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra là sự thiếu hụt nguồn thực phẩm đa dạng cũng như yếu kém về công tác giáo dục dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe trong nhà trường. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2012, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị SDD cân nặng là 16,2%, về chiều cao là 26,7%. Một nghiên cứu khác của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hơn 25% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị thiếu cân - con số khá cao so với các nước khác như Trung Quốc (7%), Mexico (5%) và Mỹ (2%). Cũng theo nghiên cứu này, có hơn 10% trẻ em Việt Nam bị thiếu hụt vitamin A, một trong những loại vitamin quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ.
Cán bộ chương trình bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mầm non do Abbott tài trợ kiểm tra chiều cao, cân nặng cho trẻ mầm non tại TP Huế. |
Đó là con số tính chung trong toàn quốc, còn tỷ lệ trẻ SDD có sự khác nhau đáng kể giữa các vùng, miền. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ em dưới 5 tuổi sinh sống ở nông thôn có khả năng tử vong sớm nhiều hơn gấp 2 lần so với trẻ em sinh sống ở đô thị. Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia về tỷ lệ trẻ thiếu cân và thấp còi ở 6 khu vực cũng cho thấy điều đó. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ SDD cân nặng chỉ là 11,8% còn SDD chiều cao chỉ là 21,9%, tỷ lệ ở Đông Nam bộ lần lượt là 11,3% và 20,7% thì ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, các con số này lần lượt là 20,9% và 31,9%; ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 19,5% và 31,2%; Tây Nguyên là 25% và 36,8%; Đồng bằng sông Cửu Long là 14,8% và 20,6%. Sự khác nhau càng rõ nét giữa các tỉnh, thành phố. Trong khi các tỷ lệ này ở TP Hồ Chí Minh chỉ là 5,3% và 7,6%; ở Đà Nẵng là 5,4% và 18%; Hà Nội là 8,1% và 16,9% thì ở một số nơi như Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đã là 14,6% và 27,6%; Quảng Trị là 17,2% và 31%; An Giang là 15,2% và 26%...
10 năm một chặng đường bền vững
Đứng trước thực trạng đáng báo động đó, Abbott cùng Quỹ Abbott hợp tác với Hội Từ thiện Giao điểm phát động chương trình Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mầm non, nhằm đưa đến giải pháp giảm tỷ lệ SDD và cải thiện sức khỏe cho trẻ em tại vùng nông thôn Việt Nam. Chương trình triển khai tại ba tỉnh có tỷ lệ trẻ em SDD vào loại cao nhất cả nước: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và An Giang.
Năm 2013 đánh dấu cột mốc 10 năm chương trình được thành lập và triển khai, đồng thời cũng là năm thứ 9 liên tiếp Abbott và Quỹ Abbott hỗ trợ kinh phí cho chương trình này. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, Hội Từ thiện Giao điểm đã giúp cho hàng nghìn trẻ em cải thiện tình trạng sức khỏe, giúp điều trị và phòng chống SDD thông qua 3 bước cơ bản: Tăng cường dinh dưỡng, giáo dục và cải thiện cơ sở vật chất.
Năm học 2012-2013, chương trình đã hỗ trợ được hơn 6.600 trẻ em trong hơn 100 lớp học. Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, tỷ lệ SDD ở các em đã giảm đáng kể, xuống còn xấp xỉ 20%, dưới mức Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đây là mô hình được xây dựng với nhiều phương pháp có tính ứng dụng cao, có thể áp dụng cho nhiều cộng đồng khác. Bằng việc cung cấp thực phẩm giàu dinh dưỡng như sữa đậu nành xay chung với lạc (để tăng cường chất béo và năng lượng), đào tạo chuyên sâu các kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho giáo viên và phụ huynh, cũng như tích cực cải thiện cơ sở vật chất cho nhà trường, chương trình đã cho thấy tầm quan trọng của việc quan tâm chăm sóc sức khỏe cho trẻ em một cách lâu dài, bền vững và thiết thực nhất.
Với những kết quả tốt đẹp mà chương trình đã đem lại cho trẻ em ở một số vùng nông thôn Việt Nam, Tổng Giám đốc Abbott Việt Nam Jullian Caillet khẳng định: Abbott và Quỹ Abbott sẽ một lần nữa cam kết hỗ trợ chương trình dinh dưỡng trong năm học tới, tăng tổng số kinh phí hỗ trợ lên 58 tỷ đồng. Không chỉ cam kết hỗ trợ về kinh phí, Abbott sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức toàn cầu và các địa phương để tìm ra giải pháp mang tính xác thực và bền vững cho việc bảo đảm dinh dưỡng và cuộc sống lành mạnh cho trẻ em và người dân Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.