(HNM) - Cuối năm, Hà Nội lành lạnh gió, liền tìm đến chỗ nhà thơ Vũ Duy Thông thưởng rượu, nghe chuyện nhân tình thế thái. Anh đi lấy tập thơ mới
Ừ thì đọc. Ối giời ơi! Sao mà xanh um cả ra thế này. Nào là bụi tre, gốc rạ, vườn cây, cỏ gai, cây bàng, cây phượng, bụi dứa, rừng dương, ao bèo, cọng cỏ… May mà chưa có lá mơ, rau húng, thì là, hành tỏi. Một khu vườn sinh thái sum suê. Trong 60 bài thơ in thì có đến 55 bài hình ảnh thực vật chứa chan. Thật khổ, ai lại đọc thơ người ta tặng mà lại tỉ mỉ đếm chác. Nhưng thành bệnh mất rồi. Tĩnh tâm ngồi đọc lại.
Cũng là lựa chọn cả thôi. Trong Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ thì cũng phải chọn lấy một. Kim thì đã từng xủng xoảng một thời trẻ trai. Hỏa tặc, Thủy tặc thì hãi lắm. Thổ thì lại hơi nhạy cảm. Vậy chọn Mộc cho lành. Mà cái sự Mộc thì thực là quan trọng lắm: Phong trào Hòa bình xanh ồn ã khắp nơi, Chương trình DOHA họp lên, họp xuống về chuyện khí thải, trái đất nóng dần lên, rừng từng ngày thu hẹp lại… Ta trốn vào vườn chăng? Nắng rát cây lá che ta. Nóng nẩy cây lá ru ta. Khổ đau cây lá xoa ta. Cô đơn cây lá níu ta. Mà cây lá hiền lành lắm, nghe ta mà chẳng cãi ta bao giờ. Vậy thì mượn cây mà trò chuyện cùng mình và cùng người xưa vậy. Vun quén một khu vườn tâm tư. Tĩnh tâm ngồi đọc nữa.
Và cỏ mang lời cỏ. Cái thủa trao nhau cỏ non thế mà thành cỏ đắng, để hoài niệm giờ thành cỏ rối ngậm ngùi (Thơ tình viết muộn). Bốn khổ thơ chở ba ngọn cỏ, dẫu muốn vùi nó đi mà vẫn xon xót suốt đời. Cây cối cỏ hoa mang đến những ký ức nợ nần của quê nghèo, của ân tình không dễ gì trả được, không dễ gì đắp bù: Quê xưa khuất nẻo thị thành/Ao bèo nở tím lạnh tênh ao chùa/Chuông chùa buông suốt đêm mưa/Cửa then lạnh ít, dậu thưa lạnh nhiều (Quê xưa). Nhiều khi, sự yên lòng cũng hóa ra có tội cùng cỏ cây.
Và thế là đến tre muôn thủa cũng thua: Tiếng đất lở như bom/Rung chuyển xóm ngõ/Bụi tre bụi chuối đổ nghiêng/Tan tành nhà tầng kiên cố… Đêm bình yên mà hơn giặc giã… Khi sông đổi dòng/Dù vẫn là sông cũ (Bãi lở). Cánh đồng, cổng làng, cây đa, mồ mả… đều sẽ chìm. Ta nghe xót xa khi cây cối âm thầm lời ngụ ngôn của nó. Cuộc thay đổi này chả nhẽ trả giá đến vậy ư?
Này là cái ngọn mồng tơi. Sen tàn cánh rụng, lá đỏ trâm rơi: Một năm, trăm năm, nghìn năm/Vàng son tan cùng bụi đất/May còn hớn hở ven rào/Một ngọn mồng tơi xanh mướt (Dây mồng tơi Hoàng Thành). Sự đời đôi lúc đồng vàng thì mất mà đồng chì lại còn là vậy. Nhớ Đỗ Phủ dường bao: Quốc phá sơn hà tại/Thành xuân thảo mộc thâm. Bao triều đại đi qua còn xuân thì vẫn rườm rà cây cỏ. Cảm khái cùng người xưa vậy. Mồng tơi có lời của mồng tơi.
Đa đoan là bệnh của thi nhân. Nhiều khi đổ tội cho cây: Cây lú lẫn hay sao, không biết/Đông về rồi lá vẫn còn xanh (Không đề).
Cố xanh mà thôi. May mà trong ruột còn tí tươi, chưa héo nổi giữa cuộc đời hôm nay rất non mà đã xơ lắm rồi nhà thơ ạ. Cái nghiệp đầu đời nặng nợ với gỗ lim, táu mật trong Bè ta xuôi sông La, nặng nợ với Những đám lá đổi màu còn đeo đẳng lắm. Để hôm nay, một con bồ câu tha đi một cọng cỏ cũng thật dễ mủi lòng: Cùng ánh ngày sắp hết/Cùng lá vàng hối hả không biết về đâu.
Thì tĩnh tâm mà đọc lại. Như khi buồn ta được hít thở dưới tán lá vườn xưa. Một mảnh vườn nhân ái!
Chia tay trong men rượu lá ra về, miệng mãi ậm ừ câu thơ xa xưa mà cả tôi và anh đều thích:
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
(Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.