(HNM) -
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, sở dĩ có tên Phố Hiến là do vào thời Lê, đất này có tên Hiến Nam, cũng là nơi đặt trị sở Hiến Nam án sát của thừa tuyên (một cấp, đơn vị hành chính) Sơn Nam. Thừa tuyên Sơn Nam ngày ấy gồm các phủ Thường Tín, Ứng Thiên, Lý Nhân, Khoái Châu, Thiên Trường, Nghĩa Hưng, Thái Bình, Tân Hưng, Kiến Xương, Trường Yên, bao gồm phía nam Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình ngày nay. Đời Lê Hiển Tông, thừa tuyên (sau đổi là trấn) Sơn Nam tách thành hai lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, Hưng Yên thuộc Sơn Nam Thượng. Còn từ "phố", theo tôi có lẽ mang ý nghĩa là nơi buôn bán, giao thương. (Ở Hà Nội thời Pháp thuộc, con đường nào có nhiều cửa hàng buôn bán thì gọi là "phố", nếu chỉ có nhà ở, công sở… thì gọi là "đường"). Thời phong kiến, tàu buôn nước ngoài không được phép vào kinh đô, Phố Hiến thuận tiện cho giao thương nhờ ở vào vị trí không xa kinh đô, lại nằm trên đường thủy sông Hồng thông ra biển, trở thành trung tâm tiếp nhận hàng hóa từ bốn phương trong nước về để xuất khẩu. Vào thế kỷ XVI, XVII là lúc phồn thịnh nhất, ở Phố Hiến có hàng chục thương điếm của các nhà buôn Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc… nhiều nơi thương nhân nước ngoài đã lập làng để ở, trên bến dưới thuyền, tàu bè tấp nập vào ra, mang đến hàng tiêu dùng, vũ khí, vàng bạc… và chở tơ lụa, hương liệu của Việt Nam ra thế giới. Sang thế kỷ XVIII, do thời thế biến thiên, sông Hồng đổi dòng, Phố Hiến mất dần vai trò đô thị thương nghiệp và cảng sông phát đạt, dần thưa vắng để đến thế kỷ XIX lại trở về yên ả tuy vẫn là trung tâm hành chính.
Con tàu tại bảo tàng tỉnh Hưng Yên. |
Đến nay, thành phố Hưng Yên còn nhiều di tích liên quan đến thời kỳ Phố Hiến, như dấu vết các thương điếm của người phương Tây, Đông Đô Hội Quán của người Hoa, đền Thiên Hậu thờ bà Lâm Tức Mặc, nữ thần biển của người Hoa, ở Xích Đằng có đền thờ người đàn bà chỉ bán nước cho khách thương hồ mà giàu ức vạn…
Sau hơn 100 năm phồn thịnh, thương cảng Phố Hiến đã suy vi từ hơn 200 năm nay. Dấu tích vật thể còn lại không nhiều, hậu thế chỉ có thể hình dung sự nhộn nhịp, sầm uất của nơi này qua câu tục ngữ nói trên và ít thư tịch cổ trong và ngoài nước. Được tận mắt thấy một di vật của thời Phố Hiến vàng son hoặc hào quang còn lại là nỗi khao khát không chỉ của giới nghiên cứu. Thế nhưng cái xác suất tìm được di vật như thế là vô cùng nhỏ nhoi. Nhưng Bảo tàng Hưng Yên còn đó một con tàu cổ, đó là lý do khiến chúng tôi tìm về.
Cách đây hơn 4 năm, vào tháng 10-2008, anh đồng nát Hà Đăng Chuôm, người xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đến đoạn sông Hồng thuộc xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, giáp với huyện Phú Xuyên, Hà Nội hành nghề mò phế liệu. Sau một hồi lặn ngụp trong nước lạnh, Chuôm sờ được đuôi một con tàu gỗ dưới độ sâu hàng chục mét nước, đầu cắm xuống bùn, hướng về thượng lưu. Ngỡ vớ được "vàng", Chuôm thuê người và phương tiện trục vớt con tàu. Sau gần một tháng, chi hết hơn 230 triệu đồng, đến đầu tháng 3-2009 bố con anh mới đưa được con tàu gỗ vào bờ khi nó đã gãy đôi. Hay tin, những người hiếu kỳ, dân săn đồ cổ từ Hà Nội về và cả con nghiện trong vùng kéo đến hòng hôi của. Con tàu đã bị bóc dỡ khá nhiều lá đồng bọc vỏ thân tàu và nhiều hiện vật khiến UBND xã Đại Tập, sau đó là huyện Khoái Châu, rồi tỉnh Hưng Yên phải ra quyết định thu hồi theo Luật Di sản văn hóa. Hà Đăng Chuôm cũng đã được đền bù thỏa đáng. Ngày 4-5-2009, sau 10 ngày vận chuyển, con tàu được đưa về Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, chờ nghiên cứu và phục chế.
Nhìn con tàu cổ nằm trong nhà kho Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, ngắm nghía vóc dáng khá bề thế của nó, có thể khẳng định con tàu này có xuất xứ Châu Âu. Con tàu dài 27m, rộng 5,2m, mũi tàu thon, cao, chạy bằng động cơ hơi nước. Bộ nồi hơi động cơ đồ sộ với hàng trăm bu lông, đinh tán to, đường kính đáy nồi 2,1m, cao 3m, cho thấy thể tích nồi hơi đạt hơn 7m3. Trên một lá đồng bọc thân tàu còn sót lại, chúng tôi thấy logo và thương hiệu của nhà sản xuất: MUNTZ'S. Tra cứu tài liệu, được biết đây là con dấu của Công ty Muntz's Paten Metal Company, trụ sở tại Birmingham, nước Anh, chuyên sản xuất lá đồng bọc thân tàu biển, được cấp giấy phép độc quyền vào năm 1832. Muntz's cũng là tên loại hợp kim nổi tiếng trong ngành hàng hải thế giới lúc bấy giờ, chứa 60% đồng đỏ, 40% kẽm và có pha trộn một ít sắt.
Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, khi trục vớt lên, con tàu có dấu vết của một vụ cháy và người ta tìm được một số hiện vật như dụng cụ của thợ máy tàu, đồ dùng sinh hoạt của thủy thủ như bát, chén đĩa… Đặc biệt, đã tìm thấy nhiều đồng tiền cổ: Tự Đức thông bảo (1848-1883), Càn Long thông bảo (1736-1795), tiền Đông Dương, một đồng tiền Anh (1875), một tượng Phật bà bằng sứ màu trắng không có chữ, một chiếc hộp đựng đồ có hai chữ "Giang Nam" bằng chữ Hán. Ngoài ra còn rất nhiều củ nâu là nguyên liệu ngành dệt, nhuộm; củi, than để đốt lò chạy tàu… Có thể đoán định chủ tàu là người Hoa và con tàu chìm là do hỏa hoạn.
Theo nhiều cứ liệu, Việt Nam đã tổ chức trục vớt 6 con tàu cổ từ lòng biển và con tàu cổ ở Đại Tập là con tàu đầu tiên được trục vớt từ lòng sông, nhưng là con tàu duy nhất còn giữ được hình hài khá nguyên vẹn. Ngay trong tháng 5-2009, tỉnh Hưng Yên đã mời nhiều nhà khoa học hàng đầu về khảo cổ, di sản văn hóa… về tham gia hội đồng giám định để đánh giá giá trị con tàu.
Tại hội thảo khoa học đề xuất phương pháp phục hồi, lắp ghép con tàu tổ chức tại tỉnh Hưng Yên ngày 15-6-2012, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định: Con tàu cổ Đại Tập, Hưng Yên là một di sản hiếm thấy, có giá trị to lớn về nhiều mặt. Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho rằng, đây là con tàu cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, là hiện vật đặc biệt quý hiếm, có thể coi là "bảo vật quốc gia", cần phát huy giá trị như một thiết chế hấp dẫn khách tham quan trong bối cảnh Hưng Yên đã được Chính phủ phê duyệt Dự án khôi phục Phố Hiến cổ… Các nhà khoa học đều khẳng định sự cấp bách phải tiến hành ngay việc bảo quản, phục chế con tàu một cách khoa học. Làm việc với chúng tôi, Thạc sỹ Đào Mạnh Huân, Giám đốc Bảo tàng Hưng Yên cho biết: "Tỉnh đã đồng ý về chủ trương cho phục hồi con tàu, Bảo tàng tỉnh đang nhờ Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam làm tư vấn xây dựng dự án và phương án bảo quản, phục hồi con tàu". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống và tương đối đầy đủ về con tàu cổ này, chắc là phải chờ có dự án để có kinh phí triển khai!?. Hơn 4 năm qua, con tàu vẫn nằm trong kho dưới tác động của các yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, hóa học, vi sinh vật… và điều kiện thiếu thốn của một bảo tàng cấp tỉnh.
Ai là chủ con tàu, không gian văn hóa, môi trường hoạt động của di sản này và các mối tương tác của nó trong môi trường ấy như thế nào, nó liên quan gì đến Phố Hiến, đó là những vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo hơn để có thể hình dung được phần nào bức tranh Phố Hiến cuối thế kỷ XIX, khi đô thị cảng sông này đã không còn tấp nập như trước. Và điều cấp bách là cần tổ chức ngay việc bảo quản, phục chế con tàu vô giá này, bởi trên thế giới không phải quốc gia nào cũng có được một di sản như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.