(HNMO) – Sáng 22/5, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội tỷ lệ 1/2000.
Đến dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo.
Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Trung Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia cho biết: Đây là lần điều chỉnh Khu trung tâm chính trị Ba Đình thứ 3. Thủ tướng đã có yêu cầu phải sớm công bố để phát triển ổn định Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Theo Quyết định số 2411/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt: Mục tiêu của việc điều chỉnh này nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc ổn định lâu dài cho các cơ quan Trung ương, hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan toàn Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh mở rộng Khu trung tâm chính trị Ba Đình là 134,5ha. Bên cạnh đó, bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.
Khu vực quy hoạch điều chỉnh mở rộng được giới hạn bởi: phía bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà.
Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt. Cơ sở vật chất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê chuyển cho Văn phòng Trung ương Đảng sử dụng để làm việc.
Quy hoạch lại khu Bộ Tư pháp và toàn bộ khu H6 (giới hạn bởi đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An) thành tổ hợp khách sạn, dịch vụ, hội nghị chung cho các cơ quan tại khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Cơ sở vật chất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển cho các cơ quan bảo vệ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.
Bên cạnh đó, với khu dân cư phía bắc Văn phòng Chính phủ, di dời toàn bộ các hộ dân để mở rộng hoàn thiện không gian công viên ven Hồ Tây và khai thác không gian ngầm làm khu dịch vụ và đỗ xe chung; còn với khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, di dời các hộ dân nhằm hoàn thiện không gian cho các cơ quan Chính phủ và Chủ tịch nước; đối với khu tập thể Bộ Công an, di dời toàn bộ các hộ dân. Diện tích sau di chuyển, chuyển cho Trung đoàn 600 (Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) quản lý.
Tiếp đó, di dời toàn bộ các hộ dân cư khu tập thể Trung đoàn 275 (thuộc Bộ Tư lệnh Lăng); di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình đến khu vực khác phù hợp quy hoạch của Thành phố.
Đáng chú ý, theo Quyết định này, Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long sẽ được quy hoạch bảo tồn thành Công viên văn hóa lịch sử trong quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhằm phát huy tối đa các giá trị vật chất, tinh thần của dân tộc…
Phối cảnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình. |
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng nêu rõ: Khu trung tâm chính trị Ba Đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, cần phải lập quy hoạch chi tiết đảm bảo tính khoa học, hiện đại, có tầm nhìn cho sự ổn định lâu dài; khẳng định vai trò vị thế trường tồn, mãi mãi xứng đáng là trung tâm chính trị của cả nước. Nội dung điều chỉnh lần này được Chính phủ đánh giá đồng bộ, khoa học, quan tâm sâu sắc đến nhiều vấn đề quan trọng trong sự kết nối không gian, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo sự kết hợp giữa xây mới và bảo tồn, gìn giữ không gian cây xanh và cảnh quan chung nhằm phục vụ tốt nhất mọi hoạt động theo chức năng đặc biệt của Khu vực trung tâm chính trị Ba Đình.
Trong buổi công bố quy hoạch hôm nay, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội tập trung ban hành quy chế theo đồ án được phê duyệt, sớm lập các đề án, dự án và huy động các nguồn lực để thực hiện. TP tập trung tạo mặt bằng để các dự án di dời có mặt bằng mới để triển khai. TP phối hợp với các bộ, ngành, hội nghề nghiệp thi tuyển các phương án kiến trúc đối với một số dự án, công trình quan trọng… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với UBND TP Hà Nội, các bộ ngành có liên quan tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500, các dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế đô thị, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đặc thù, lập Quy chế kiến trúc cảnh quan và vùng phụ cận nhằm quản lý chặt chẽ sự phát triển không gian khu vực này.
Tại hội nghị công bố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bày tỏ quyết tâm xây dựng Thủ đô xanh- văn hiến- văn minh hiện đại trong thời gian tới. Đặc biệt, để cụ thể hóa và khẩn trương thực hiện các nội dung của đồ án Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng khẩn trương bàn giao đồ án được duyệt cho các cơ quan chức năng để quản lý theo quy hoạch được duyệt; Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND quận Ba Đình và Tây hồ nghiên cứu xây dựng kế hoạch lộ trình, biện pháp di dời một số cơ quan, khu vực dân cư, bố trí địa điểm mới, khu vực tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai đúng quy hoạch được duyệt.
Sở Xây dựng phối hợp với các UBND quận Ba Đình và Tây Hồ và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý xây dựng đô thị trong khu vực, đảm bảo tuân thủ các nội dụng quy định của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đồng thời, Chủ tịch TP cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan và nhân dân trong phạm vi điều chỉnh quy hoạch tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của TP trong quá trình thực thi quy hoạch này.
Chủ tịch cũng cho biết, TP sẽ sớm lựa chọn quy hoạch khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thành công viên văn hóa lịch sử; cùng với việc hoàn thiện nhà Quốc Hội để đưa vào khai thác, sử dụng. Bảo tồn điện Kính Thiên cũng là hạt nhân của khu vực này. Sắp xếp các cơ quan, hoàn thiện cảnh quan, tổ chức giao thông để trở thành khu vực đô thị được quản lý theo hướng văn minh, hiện đại, biểu tượng của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.