Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một loại tham nhũng đặc biệt nguy hiểm!

Cù Xuân Trường| 28/12/2015 06:07

(HNM) - Tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 24-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh những nguy cơ "giặc nội xâm" - quốc nạn tham nhũng gây ra cho đất nước: Tham nhũng đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ; xói mòn giá trị dân chủ, giá trị đạo đức, công lý xã hội và cản trở đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tham nhũng để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội… Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận: Công tác phòng chống tham nhũng hiện nay chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng…


Cũng tại hội nghị này, tân Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định: Trên thực tế, tham nhũng ngày một tinh vi, được che chắn, tiềm ẩn dưới nhiều hình thức LỢI ÍCH NHÓM hoặc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài. Trong những vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của LỢI ÍCH NHÓM rất tinh vi, thậm chí cấu kết chặt chẽ tạo ra LỢI ÍCH NHÓM từ việc xây dựng cơ chế chính sách để làm lợi cho một số người có chức vụ, quyền hạn... Vậy, tham nhũng và LỢI ÍCH NHÓM liên hệ với nhau như thế nào? Tại sao THAM NHŨNG - NHÓM LỢI ÍCH là vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay?

LỢI ÍCH NHÓM hay NHÓM LỢI ÍCH có thể hiểu một cách chung nhất là tập hợp các cá nhân có một hay nhiều lợi ích hoạt động theo một cơ chế nhất định nhằm đạt được hoặc gia tăng lợi ích chung của họ. Sự tồn tại và hoạt động của các nhóm lợi ích phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia trong từng thời điểm lịch sử cụ thể. Để bảo vệ lợi ích của mình, các NHÓM LỢI ÍCH thường tác động đến việc hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước thông qua hoạt động chính sách. Do vậy, tính chất TÍCH CỰC hay TIÊU CỰC của NHÓM LỢI ÍCH được biểu hiện qua những hoạt động cụ thể. Có thể nhìn thấy rõ: Hoạt động của các NHÓM LỢI ÍCH tác động tích cực đến tiến bộ và công bằng xã hội là lợi ích nhóm tích cực. Ví dụ, giới chức và doanh nghiệp tìm kiếm các quan hệ dựa trên lợi ích của cộng đồng sẽ mang đến những lợi ích chung cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp chỉ ra những khiếm khuyết trong quá trình thực thi chính sách để giới chức nhà nước có thể kịp thời điều chỉnh, lấp những "lỗ hổng" trong quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đất nước phát triển… Thế nhưng những mối quan hệ như vậy không nằm trong khái niệm NHÓM LỢI ÍCH như cách hiểu thông thường của nhiều người Việt Nam, cũng như khái niệm đưa ra trong bài viết này.

Hiện nay, NHÓM LỢI ÍCH trong tư duy của nhiều người là khái niệm để chỉ những tập hợp cá nhân (những người) có chung lợi ích tác động đến cơ quan quyền lực, những người có quyền, ra những quyết định theo hướng có lợi cho họ và cái lợi ấy đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Vì vậy, chúng ta gọi đó là NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC. Cũng có ý kiến cho rằng: NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC là tập hợp một số ít người có khả năng chi phối, thao túng, điều khiển cán bộ quản lý, từ đó có những quyết định, chủ trương tạo ra "siêu lợi nhuận" cho các thành viên, bất chấp thiệt hại của Nhà nước và nhân dân. Những NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC có thể chỉ là sự liên kết của người này với những người khác, bộ phận này với bộ phận khác nhưng cũng có thể là cơ quan này với cơ quan khác, ngành này với ngành khác để "lách luật", thậm chí để "bẻ cong" pháp luật… phục vụ cho những lợi ích riêng của họ. NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC có thể liên kết lâu dài, cũng có thể hình thành trong một bối cảnh nhất định nhưng gắn kết hết sức chặt chẽ bằng những lợi ích có được từ "đặc quyền". Biểu hiện của NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC không khó nhận diện, đó là những vụ "lobby" chủ trương, chính sách (chạy chính sách) hoặc "móc ngoặc" để chạy dự án, liên kết để chạy chức, chạy quyền… Ở nhiều góc nhìn có thể nhận thấy NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC và tham nhũng có mối quan hệ "hữu cơ" với nhau.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường hiện nay, thông tin cũng được xem là nguồn lực kinh tế. Thông tin về chủ trương chính sách là lợi thế hàng đầu để cạnh tranh của doanh nghiệp. Thế nên việc doanh nghiệp "quan tâm" đến những nhóm lợi ích trong vận động điều hành chính sách là hoàn toàn dễ hiểu. Mặt khác, chỉ những người có quyền lực mới nắm rõ thông tin về chủ trương chính sách, mới có khả năng "bẻ " những quy định (trong lĩnh vực được trao quyền quản lý) theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích. Do vậy, trong thực tế đã xuất hiện những cái "bắt tay" của quan chức (những người có quyền) và doanh nghiệp (những người có tiền) với mục đích đôi bên cùng có lợi. "Có hiện tượng một nhóm doanh nghiệp nào đó dưới sự bảo trợ của một số cá nhân quan chức đã có điều kiện thuận lợi hơn và có tốc độ tăng trưởng vượt trội…" - nhận xét này là có cơ sở. Thậm chí, trong nhiều "cuộc chơi", cánh doanh nhân đo vị thế, sức mạnh của nhau qua mối quan hệ với số người có liên quan đến những quyết sách về tài chính, ngân hàng, đất đai, dự án… Đấu tranh với những NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, nhưng với Việt Nam đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn, liên quan đến sự tồn vong của chế độ.

Nghiên cứu mới đây của một cơ quan có thẩm quyền cho thấy: Đang có hiện tượng lợi ích cục bộ ở nhóm cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý kinh tế. Thay vì sử dụng quyền lực nhà nước để giữ trật tự, kỷ cương, họ sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đặc biệt, vừa quản lý tài sản khổng lồ, vừa tự chủ rộng rãi… lại không đi kèm trách nhiệm giải trình cao nên một số doanh nghiệp đã trở thành đầu mối để quan chức thiết lập các đường dây vụ lợi. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã chuyển cổ phần cho một số quan chức nhưng người khác đứng tên để đổi lại chế độ, chính sách riêng… Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Quan hệ không bình thường giữa quan chức với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt gắn với NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC. Mối quan hệ này làm cản trở quá trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững vì nó tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh. Nguy hiểm hơn, nó bóp méo các chính sách của Nhà nước (ban hành để phục vụ đại bộ phận nhân dân nhưng trong thực tế đời sống chỉ phục vụ một số ít - NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC).

Những vụ "đại án" tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây phần nào cho thấy hậu quả nghiêm trọng mà các NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC gây ra cho nền kinh tế. Đặc biệt là những NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng với việc làm "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng… Nguy hiểm hơn khi những NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC kết hợp với tư duy nhiệm kỳ sẽ tạo ra những nguy cơ không dễ nhìn thấy và không thể lường hết như tự diễn biến trong nội bộ. Bởi lẽ, NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC phát triển sẽ mang đến lợi ích cho một hoặc một số nhóm người và như vậy sẽ khoét sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, làm mất dân chủ, mất công bằng trong xã hội, làm tha hóa lối sống của "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên - những người nắm trong tay quyền lực. Khi những "công bộc" của nhân dân lo vun vén cho riêng mình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó để hình thành những NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC, tham ô, tham nhũng cũng là lúc họ tự chuyển hóa, tự đi ngược với mục tiêu lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC thúc đẩy tự diễn biến, do vậy, chống lợi ích nhóm chính là chống nguy cơ tự diễn biến.

Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa từ NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC, từ những tính toán cục bộ và tư duy nhiệm kỳ; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…" (Nghị quyết Trung ương 4 - khóa XI). Thái độ của Đảng và Nhà nước đối với NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC đã được xác định rất rõ ràng là: Phải kiên quyết loại bỏ NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC ra khỏi đời sống xã hội…

Như đã nêu trên, hoạt động ngày càng gia tăng của các NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC, sự "lệch chuẩn" về giá trị của "một bộ phận không nhỏ" người có chức, có quyền chính là sự khởi đầu của quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa hết sức nguy hiểm. Do vậy, cuộc đấu tranh nhằm loại bỏ các NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC, loại bỏ "một bộ phận không nhỏ" suy thoái về tư tưởng, đạo đức cần được đặt ra như một vấn đề nóng bỏng, cấp bách. Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn bởi hoạt động của NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC hết sức tinh vi trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, ở mọi quy mô không gian và thời gian…, và hết sức phức tạp bởi nó diễn ra ở mỗi con người, ngay trong nội bộ… Vì vậy, đấu tranh chống các NHÓM LỢI ÍCH TIÊU CỰC, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một loại tham nhũng đặc biệt nguy hiểm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.