Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đồng thuận lịch sử

Thùy Dương| 26/09/2014 06:13

(HNM) - Vượt lên nhiều vấn đề nóng của thế giới hiện nay như chung tay chống biến đổi khí hậu; cứu trợ thiên tai; ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch Ebola… chống khủng bố đã trở thành chủ đề chính ngay trong ngày họp đầu tiên của Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24-9 (kết thúc ngày 30-9).


Tại diễn đàn lớn nhất hành tinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng quốc tế liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) khi tuyên bố Washington sẽ hợp tác với các đồng minh nhằm triệt phá "mạng lưới chết chóc" của nhóm phiến quân này.

Cảnh đổ nát sau đợt không kích của Mỹ ở Kfredrian, tỉnh Idlib, Syria.


Ngay trong ngày đầu khai mạc, với toàn bộ 15 phiếu thuận, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu các nước thắt chặt hệ thống luật pháp nhằm ngăn chặn các chiến binh nước ngoài tham gia các tổ chức khủng bố, trong đó có lực lượng IS. Nghị quyết kêu gọi các nước đưa ra luật và quy định mới để truy tố và trừng phạt những phần tử liên quan tới khủng bố, ngăn chặn sự ra vào biên giới của các phần tử này và cắt đứt nguồn tài chính hỗ trợ cho chúng.

Chủ tọa phiên họp ra nghị quyết - người đứng đầu nước Mỹ đã gọi đây là nghị quyết lịch sử - khẳng định quyết tâm của thế giới trong việc đối phó với mối đe dọa thực sự và ngày càng nghiêm trọng của những kẻ khủng bố. Đây là lần thứ 6 trong lịch sử, Hội đồng Bảo an LHQ đạt được đồng thuận 100% như vậy. Sự kiện một nghị quyết được HĐBA thông qua nhanh chóng với số phiếu ủng hộ tuyệt đối cho thấy mối quan ngại thật sự của cộng đồng quốc tế về xu hướng tăng số tay súng nước ngoài gia nhập các tổ chức cực đoan, cũng như mối đe dọa do các tay súng này gây ra sau khi trở về nước. Theo ước tính của các cơ quan tình báo Mỹ, hiện có khoảng 15.000 chiến binh từ hơn 80 nước đã đến Syria và Iraq để tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Bộ Tài chính Mỹ cũng vừa tuyên bố sẽ trừng phạt 1 tổ chức từ thiện của Indonesia và 11 cá nhân đã hỗ trợ các chiến binh nước ngoài gia nhập các nhóm khủng bố Hồi giáo, trong đó có IS. Trước đó, góp phần chặn nguồn lực nuôi dưỡng khủng bố, năm 1989, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế mới về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Nỗ lực toàn cầu một lần nữa được khẳng định đã và đang khiến chủ nghĩa khủng bố ngày càng khó khăn trong việc khuếch trương thanh thế và lưu chuyển tài chính. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vì nguồn tài trợ cho khủng bố dường như đã phân tán hơn và các khoản tiền thường có nguồn gốc từ các tổ chức từ thiện, trên các hệ thống chuyển tiền khác nhau, thậm chí là từ các tội ác và thường được vận chuyển qua trung gian. Thế nên, để ngăn chặn nguồn tiền "chạy" vào túi các tổ chức khủng bố trên toàn thế giới, đặc biệt là IS, thì cách duy nhất để các thể chế quốc tế có thể thành công - làm cạn kiệt nguồn tài chính của chúng - là tiếp tục hợp tác xuyên quốc gia một cách tích cực.

Trong nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn thu nhập chủ chốt của IS, đợt không kích thứ ba (đêm 24-9) của Mỹ và đồng minh đã oanh kích trực tiếp vào các cơ sở dầu mỏ do IS kiểm soát ở miền Đông Syria. Những mỏ này được cho là tạo ra nguồn thu hàng triệu USD và là nguồn cung cấp tài chính cho các hoạt động của IS. Một tín hiệu tích cực là các cuộc không kích đã nhận được sự đồng tình từ phía chính quyền Syria. Các nước như Jordan, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar và Saudi Arabia đều do người Hồi giáo Sunni thống trị và là đối thủ của ông al-Assad, đã tham gia các cuộc không kích nói trên. Dường như, chiến dịch chống IS do Mỹ khởi xướng đã và đang làm lu mờ ranh giới truyền thống giữa các đồng minh Trung Đông. Sự tàn bạo của IS đã khiến nhiều thể chế từng chống chế độ của Tổng thống Syria al-Assad tập hợp trong cùng một liên minh chống lại phe đối lập lớn nhất của chế độ al-Assad. Đây là một cục diện chính trị chưa từng xuất hiện trong lịch sử hiện đại Trung Đông.

Dẫu vậy, bất chấp các đợt mưa bom của Mỹ, lực lượng IS vẫn còn hầu như nguyên vẹn ở khu vực người Kurd của Syria và tiếp tục các vụ hành quyết tàn bạo. Điều này không nằm ngoài dự báo của Washington rằng cuộc chiến chống phiến quân IS sẽ kéo dài và khó khăn tại không chỉ hai lãnh thổ Syria và Iraq mà còn trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, nghị quyết của HĐBA LHQ vừa thông qua được cho là sẽ tạo ra sự liên kết mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong cuộc chiến chưa hứa hẹn hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một đồng thuận lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.