Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một công trình giàu trí tuệ, tâm huyết, công phu và giá trị

Võ Lâm| 05/10/2017 06:54

(HNM) - 7 năm sau khi xuất bản bộ Bách khoa thư đầu tiên gồm 18 tập, Hà Nội đã có thêm bộ: “Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng”.


Bộ Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng đã được hoàn thành.


- Thật là ý nghĩa khi đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017), chúng ta vui mừng chào đón bộ “Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng” được xuất bản. Xin Giáo sư giới thiệu với bạn đọc khái quát về bộ sách này?

- Đây là bộ Bách khoa thư thứ hai ra đời kế tiếp bộ Bách khoa thư Hà Nội gồm 18 tập về Hà Nội theo địa giới cũ, xuất bản năm 2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tập thể tác giả bộ Bách khoa thư thứ hai gồm có: Cố vấn là Tiến sĩ Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ nhiệm công trình là tôi; Phó Chủ nhiệm Thường trực là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khiển. Các thành viên Ban Chủ nhiệm công trình có Tiến sĩ Đinh Hạnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quỳnh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Mỳ; Tiến sĩ Lê Xuân Rao; nhà thơ Lại Hồng Khánh.

Ban lãnh đạo nói trên cùng với tập thể hơn 80 người gồm chủ biên, đồng chủ biên, các ủy viên biên tập, các cộng tác viên là đồng tác giả bộ Bách khoa thư.

Bách khoa thư là bộ sách nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực. Đối tượng nghiên cứu là tự nhiên, xã hội và con người. Trong đó, bộ sách này, chúng tôi tập trung nghiên cứu 14 lĩnh vực quan trọng là: Địa lý, lịch sử - chính trị - pháp luật, khoa học và công nghệ, kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, văn học, nghệ thuật, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục - lễ hội, di tích - bảo tàng, y tế, thể dục - thể thao. Độ dài khoảng 6.000 trang A4.

Không gian nghiên cứu là vùng đất Hà Nội mở rộng gồm tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng. Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đã sản sinh ra biết bao người con hào kiệt, nơi có “một làng hai vua”, có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học hàng đầu cả nước. Nơi có làng nghề tài hoa nổi tiếng trong và ngoài nước, nhiều kiến trúc độc đáo thu hút khách thập phương chiêm ngưỡng, nhiều làn điệu dân ca say đắm lòng người... Lịch sử dựng nước và giữ nước của vùng đất này tô đậm thêm lịch sử oai hùng suốt 4.000 năm của dân tộc ta.

Thời gian nghiên cứu của bộ sách trải dài trên 1.000 năm, từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đến khi hợp nhất với Hà Nội năm 2008.

- Với một công trình lớn như vậy, phương pháp biên soạn bộ sách này như thế nào, thưa Giáo sư?

- Về phương pháp biên soạn Bách khoa thư, vì đây là một công việc phức tạp nên áp dụng phương pháp đặc thù với yêu cầu đi từ tổng hợp, khái quát đến diễn giải từng bước, nói cách khác là từ trừu tượng đến cụ thể. Nguyên tắc đó chi phối cấu trúc Bách khoa thư, phản ánh 3 cấp độ tư duy: Thứ nhất là phần tổng quan, trình bày khái quát tập sách; thứ hai là phần nội dung chính, làm sáng tỏ phần một; phần thứ ba gồm các chuyên đề, chuyên mục, phụ lục làm sáng tỏ phần hai. Tất cả được trình bày theo phong cách văn chính luận.

Nguồn tư liệu để biên soạn nói chung là tư liệu đã viết thành văn, được xã hội thừa nhận. Về việc này, cái khó cho người viết là càng ngược dòng lịch sử thì việc tìm tư liệu càng khó khăn, đòi hỏi tính kiên nhẫn và tỉ mỉ, không quản ngại thời gian và tâm huyết. Mặt khác, tác giả trong nhiều trường hợp phải kết hợp nghiên cứu tư liệu với nghiên cứu điền dã để đối chiếu, so sánh.

Yêu cầu cao nhất của Bách khoa thư là phải chính xác, có độ tin cậy cao. Tư liệu có thể chưa đầy đủ, khi tái bản sẽ bổ sung, nhưng không cho phép sai hoặc thiếu chuẩn xác. Đó chính là điều cốt yếu mà mỗi thành viên biên soạn Bách khoa thư phải phấn đấu thực hiện.

- Giáo sư có thể đánh giá về những yếu tố quan trọng đã góp phần làm nên công trình hết sức có ý nghĩa này?


- Góp phần vào sự thành công biên soạn bộ sách, trước hết phải nói công tác chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm và sự nỗ lực hết mình của các thành viên biên soạn.

Rút kinh nghiệm biên soạn bộ Bách khoa thư trước đây, lần này có nhiều cải tiến đáng kể để nâng cao chất lượng công trình. Trước khi bắt tay biên soạn, chúng tôi đã quán triệt đến tất cả các thành viên mục đích, ý nghĩa của bộ sách; tiến độ thực hiện; quy chế làm việc và phân công trong Ban Chủ nhiệm. Đặc biệt, chúng tôi tổ chức hội thảo khoa học về phương pháp viết Bách khoa thư để mọi thành viên biên soạn nắm được kỹ năng viết. Vì lúc đó điều này đối với nhiều người vẫn còn là vấn đề mới mẻ.

Ban Chủ nhiệm dành nhiều công sức và thời gian cho việc tuyển chọn các chủ biên, đồng chủ biên và tác giả biên soạn từng tập sách. Việc này không phải làm một lần là xong, mà cùng với thời gian dần dần lộ ra những tiềm năng mới phải bổ sung. Thêm nữa, trong quá trình này, vì những lý do khác nhau như có tác giả qua đời do bệnh tật, hay chuyển công tác nên phải chọn người mới thay thế.

Một yêu cầu mới trong việc chọn nhân sự khác với bộ Bách khoa thư đầu tiên xuất bản năm 2010 là phải coi trọng việc tuyển chọn tác giả từ vùng Hà Nội mở rộng. Chúng tôi đánh giá cao về đề xuất này vì nhờ có họ mà chất Hà Nội mở rộng đậm đà thêm trong từng trang sách. Còn gì hạnh phúc hơn khi họ viết về quê hương của chính mình!

Một điểm nữa là Ban Chủ nhiệm và các tác giả bộ sách luôn coi trọng chất lượng biên soạn. Về mặt nào đó, việc rút kinh nghiệm và cải tiến tổ chức thực hiện công việc biên soạn bộ Bách khoa thư trước đây đã mang lại hiệu quả tích cực.

Các tập sách đều được đưa lên trình duyệt ở cấp thành phố với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành có uy tín về từng lĩnh vực khoa học của trung ương và thành phố. Những chuyên gia đó góp ý để tác giả chỉnh sửa lần cuối trước khi xuất bản.

Về các thành viên - tác giả bộ sách, phần lớn đã ở độ tuổi "U70", "U80" nhưng nghị lực và sức mạnh trí tuệ của họ thì có thể gọi là phi thường. Đó là một tập thể đoàn kết, ý thức công dân Thủ đô rất cao, trách nhiệm khoa học lớn. Lúc tranh luận khoa học thì nảy lửa, truy tìm chân lý đến cùng, hết tranh luận lại hòa đồng, thân mật.

Trong công việc có phân công tác giả phụ trách từng phần việc, nhưng giữa các tác giả có sự trao đổi qua lại, bổ sung cho nhau và tập thể sẽ quyết định cuối cùng những vấn đề quan trọng. Có tiểu ban, các vấn đề tranh luận được đưa ra biểu quyết, thiểu số phục tùng đa số. Vì vậy có thể nói, bộ Bách khoa thư vừa là công trình của cá nhân, vừa là công trình của tập thể, thậm chí trên từng trang viết.

Nhờ tập thể có số đông ở độ tuổi "U70", "U80" mà khác với những anh em đương chức, họ hầu như dành toàn bộ thời gian và tâm lực cho việc biên soạn, nên đã rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thành bộ Bách khoa thư mới này so với lần biên soạn trước.

- Trong quá trình thực hiện, Ban Chủ nhiệm và các tác giả nhận được sự hỗ trợ như thế nào của thành phố, thưa Giáo sư?

- Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến sự hỗ trợ to lớn cho các tác giả bộ sách, trước hết là Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và đặc biệt là đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ngoài việc khích lệ, động viên các tác giả, đồng chí còn trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong tổ chức thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Bách khoa thư và các đơn vị khác của thành phố cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trước công việc này. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã hỗ trợ rất nhiều trong việc biên tập và xuất bản bộ sách.

Không có sự giúp đỡ toàn diện nói trên, bộ Bách khoa thư này rất khó ra đời. Một lần nữa xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân nói trên.

- Giáo sư suy nghĩ gì về ý nghĩa thực tiễn của bộ “Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng”?

- Chúng ta đã có nhiều công trình văn hóa vật chất của vùng đất này. Từ nay, vùng Hà Nội mở rộng lần đầu tiên có công trình lớn về văn hóa tinh thần - những cuốn sách viết công phu về những lĩnh vực khoa học và đời sống xã hội quan trọng mà trước kia có chăng phần lớn chỉ là những bài viết nhỏ. Bộ sách này là tài liệu quý không chỉ cho những ai quan tâm tìm hiểu xứ sở của mình, mà còn cho đông đảo nhân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố bạn. Chắc chắn nó cũng không thể thiếu được đối với môn Hà Nội học, rộng hơn nữa là các môn khoa học xã hội và nhân văn, các trường học, viện nghiên cứu, thư viện, hiệu sách… trên địa bàn Thủ đô.

Đối với nhiều người, nó trở thành “ngân hàng” thông tin, một trường học không có tường bao, một công cụ tìm kiếm hữu ích ngay tại nhà về vùng đất này.

Tuy bộ sách được tập thể tác giả dành nhiều công sức biên soạn, nhưng chắc không tránh khỏi có những khiếm khuyết. Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả. Những ý kiến tốt sẽ được tiếp thu để bổ sung, chỉnh lý khi tái bản.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một công trình giàu trí tuệ, tâm huyết, công phu và giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.