(HNM) - "Muốn ăn gạo trắng nước trong Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò".
Câu ca ấy, chắc của người xuôi đặt, đến là quyến rũ người lần đầu đến miền Tây Yên Bái. Mường Lò tức Nghĩa Lộ, là cánh đồng lớn thứ hai Tây Bắc sau Mường Thanh - Điện Biên. Dễ làm ăn, phẳng phiu, thị trấn chật ních dân Hưng Yên, Phú Thọ, nhất là Thái Bình. Lên nhiều kiểu, nhiều đợt, từ rất xa xưa, nhưng một "mô típ" khá phổ biến: nhà khá giả bản địa nhận người xuôi lưu lạc lên làm con nuôi, thực chất là người ăn kẻ ở, sau thấy lanh lợi bèn gả con gái cho, rồi bám rễ thành những ngành Dao, ngành Thái.
Sự “pha phách” lớn dần. Thị trấn Nghĩa Lộ giờ san sát nhà người xuôi, thi thoảng mới thấy người Dao cạo nhẵn lông mày dạo phố, váy Mông đung đưa nhẩn nha. Ngôi chợ che mái tùm hụp la liệt hàng Tàu và chút chút táo mèo, thảo quả, quýt, nấm, mộc nhĩ. Ông xe ôm ngoài cổng cho biết, đa phần thức ấy do lái buôn vào tận bản mua cất, rồi “khái quát”: “Người Dao biết thâm canh, trồng quế, cây thuốc, người Mông vẫn thích du cư. Họ đi chơi thôi, có phi về từ Trạm Tấu cũng chỉ mang con gà quả bí, đổi ra que kem bát phở xong lại về”. Hỏi chuyện một cặp người Mông đã hai con, anh chồng còn trẻ nói “chưa biết sẽ đẻ mấy đứa, vì vợ đặt vòng ốm yếu lắm…”. Với những người bản địa như thế, người Kinh còn tha hồ làm thương nghiệp…
Cuộc sống bình yên ở thị trấn Văn Yên (Yên Bái). Ảnh: Bảo Lâm |
Muốn “nếm” bản sắc dân tộc thì phải vào bản. Bản Boong, bản Lè nhiều gái đẹp, trống phách lên là xòe chết mệt khách xuôi. Bản Cang Nà (giữa ruộng) um tùm trong bóng pheo, tức cây tre gai, còn nguyên hình thái nhà trên vườn bên ao dưới. Thật may mắn, chúng tôi gặp ông Lò Văn Biến, một thứ “tự vị” dân tộc. Ông Biến sinh năm 1933, trước dạy học, sưu tầm văn học dân gian, đoạn già yếu chuyển sang chỉnh lí, nghiên cứu. Giáo trình “Dạy tiếng và chữ Thái cho cán bộ công chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số” của ông được Sở Nội vụ Yên Bái đặt viết, đang phổ biến sang vài tỉnh lân cận. Ông kể đoạn xưa cộng tác với các nhà nghiên cứu Tô Ngọc Thanh, Hoàng Trần Nghịch, Lò Văn Cậy, rồi sang đến ti tỉ gốc tích. Từ thế kỷ XI, tộc Thái theo Tạo Suông di từ Vân Nam Trung Quốc xuôi sông Hồng đến Mường Lò thì cắm lại, sau tỏa ra các mường khác ở Tây Bắc, Thanh Nghệ. Một nhánh khác theo Tạo Ngần xuôi về Thái Lan, canh tác ven bờ sông
Mê Kông. Đất đai tốt tươi, khuổi nậm mát lành tưới tắm cho con người đẻ ra những câu “Xống chụ sôn sao” giao duyên, “Quắm tố mường” kể lịch sử, những quy định, lề luật, trật tự sống từ châu xuống bản. Nền văn minh lúa nước tràn trề sinh lực ấy đã tồn tại, với những bản sắc độc đáo bắt ta phải ngỡ ngàng.
*
Năm 1945, cha tôi là tù chính trị “căng đồn” Nghĩa Lộ. Nhật đảo chính Pháp, Tây trên Yên Bái nhao nhác, tù Việt Minh lên kế hoạch cướp nhà ngục. Sự không thành, người bị giết, người bị bắt lại, nhưng cha tôi và vài người nữa thoát. Nằm ngoài rừng cả ngày, đêm xuống, họ tìm đường ra Trái Hút để xuôi sông Hồng, nào ngờ sáng ra đã gần đến Tú Lệ, nơi Tây đóng đồn. Hút chết!
Tú Lệ giờ là một xã thuộc huyện Văn Chấn, nổi tiếng vì mỏ nước nóng, đàn bà đẹp và nhất là giống lúa nếp. Quốc lộ 32 chạy từ Phú Thọ qua đây, sang Mù Cang Chải rồi vắt mãi Lai Châu. Vào cữ tháng chín đứng từ trên cao nhìn xuống đẹp “thôi rồi”. Những rẻo ruộng bậc thang màu xanh cốm tràn xuống thấp, quây quần quanh dòng Nậm Lùng óng ả. Những áo cóm “kinh cốm nôm tẳng” (mình thon vú dựng) uyển chuyển, chiều đến hụp xuống làn nước. Phụ nữ Thái, già hay trẻ, trắng trẻo hay đen ròn rã, đều rộn ràng nữ tính, cho ta cái cảm giác thứ quả không bị phun ướp, lành mạnh vô tả. Cảnh vật, như con người đều quá đẹp, ai đó vì thế mà đặt nên tên Tú Lệ chăng?
Nhưng giờ là giữa mùa hanh khô. Dòng Nậm Lùng ít nước. Cánh đồng vàng xơ xuộm. Trong con phố hơn trăm nóc nhà, ngôi chợ bụi bặm, tỏa “mùi” dịch vụ, cảm giác về Tú Lệ đã khác, xù xì và ít lãng mạn hơn. Gió “thị trường” lên đây đem lại những thay đổi nhiều chiều, làm bối rối thanh niên thanh nữ.
Trong huyện Văn Chấn, Tú Lệ thuộc loại nghèo. Báo cáo kinh tế xã hội gần nhất cho biết trong 5.397 khẩu có 93% Thái, ở quanh Nậm Lùng (suối Bác), cấy lúa nước hai vụ trên 316ha, thu hằng năm chừng 1.580 tấn lương thực. Người Kinh gồm 252 khẩu nằm chủ yếu ở Pom Ban (bản Đồi cây hoa ban) quanh đường nhựa, buôn bán, làm dịch vụ là chính. 5 hộ giàu đều dưới xuôi lên, trong đó nhà nghỉ Phố núi bốn tầng kìn kìn xe tải vào ra, đâu như đang cất tòa bảy tầng phía sau. 125 người Mông nằm trên Khau Thán (bản Than) cao nhất, còn gỗ dổi và chưa có điện. Số hộ có mức sống khá là 672, bên cạnh 435 hộ nghèo. Các khoản thu khác: 16 tấn lúa nương, 50 tạ đậu tương, 52 tấn khoai sắn và 1.164ha rừng, 20ha rau màu, 810 trâu, 602 bò, hơn 2.000 lợn trên 10kg. Tú Lệ có ba điểm trường tiểu học, gần như không có trẻ trong độ tuổi bỏ học. Cấp cơ sở có 405 em, đa số tốt nghiệp thì thôi, không tính chuyện lên Mù Cang Chải hay xuống huyện lị tiếp tục làm gì cho mệt. Và cái chỗ đẹp đất đẹp người này lại còn bị “giấc mơ văn minh” nó ám, với 110 cô đi làm ăn xa không rõ địa chỉ, giỗ tết về thăm gia đình rồi lại lên đường. Số người nghiện và nghi nghiện khoảng 70, trong đó 30 người đang cai tại cộng đồng.
Tú Lệ đang kì đất nghỉ giữa hai vụ lúa. Ngày đẹp, cán bộ xã có người được mời dự sáu đám dựng nhà và hai đám cưới. Đâu cũng vui quá say quá, nhà báo chả hỏi han gì được. Chỉ biết nhiều nhà có ăng ten chảo xem ti vi mấy chục kênh. Dưới sàn vẫn còn nhiều trâu bò, lợn nuôi và cối gỗ giã cốm, không khí thoảng mùi phân gia súc tươi. Lại ghé mắt vào bản quy ước đời sống văn hóa: cưới không thách tiền, bạc, không mở nhạc đêm, nếu không ở rể không phải nộp 25 gánh thóc nếp. Người ốm hạn chế cúng, bói, nếu chết không để trong nhà quá hai ngày và không say trong đám. “Tình hình” tảo hôn và đẻ con thứ ba có vẻ “phát”, nhất là trong các hộ khá giả, người Kinh, đâm xã phải cấm cán bộ đi ăn đám cưới loại này. Dầu vậy “năm ngoái tôi đã mừng cả thảy năm triệu rưởi, mà đi người này thời phải đi người khác, không nhất trọng nhất khinh được”, một vị nói.
Trời cho Tú Lệ giống nếp tan nức tiếng cả Tây Bắc, gọi tắt từ mấy chữ “pay (đi) tan (cắt) khẩu (lúa)”. Có con dao cắt lúa riêng, không phải liềm, mùa đến cắt bông đem về nhà cất hòm gỗ hay treo trên xà, gác bếp, khi nào ăn mới bỏ cối giã. Nếp tan Tú Lệ dẻo “ném vào vách nhà “đỗ” lại luôn”. Nhà nọ gầm sàn vừa thưa vừa thấp, đứa trẻ đầy tuổi lọt xuống dưới, bố nó véo hòn xôi “dính” lên trên được. Thật đến đâu không hay, chỉ biết hơn trăm héc ta nếp tan trồng đến đâu đem ra phố có xe tải cất hết đến đấy. Dân Cao Phạ, Nậm Có gần đó đem thóc của mình về và cả giống mới 87, ra ngoài phố vẫn gọi “nếp Tú Lệ”, bán vẫn tha hồ.
Vì sao cây lúa nếp “thành danh” ở Tú Lệ thì chưa ai phân tích những vi chất vi lượng để trả lời. Có người lý giải tại trong nước Nậm Lùng có chì. Nhưng người Tú Lệ có những cách thức trồng cấy riêng phải theo, như bừa ruộng nát như cháo, không để lẫn giống. Nếp cấy ruộng cao vỏ đẹp nhưng không dẻo, xuống thấp thơm hơn. Tưới bón cũng theo cách truyền thống, phân chuồng ủ kỹ dấn xuống, chứ rắc NPK thân nó “ngọt”, sâu kéo đến phun thuốc cũng không lại. Thóc phơi cả bông ngoài ruộng thì quyện cả mùi thơm của rơm, chứ đem về nhà phơi chả được mùi. Mà vừa phải thôi, già nắng quá giã nó gẫy thành tấm, non lại nát ra cám. Cối giã phải bằng pơ mu dài cả cây, mỏ bịt gang, năm triệu đồng một cái - quá đắt so với xát máy. Hạt gạo mới ra khỏi vỏ đầu trên đục, dưới trong, ra nắng một lúc bạc màu, nên người ta không phơi.
Nếp Tú Lệ xưa đồ trên chõ gỗ, vung gỗ, nồi đồng ninh bằng củi, một bếp nấu bốn năm nhà cùng ngửi. Cảnh ấy giờ hiếm rồi, vì những “nguyên tắc” ấy kĩ quá, khó theo lắm. Chợ Tú Lệ bày bán “luôn” cả chõ nhôm, nhà làm hàng dùng tiện hơn nhiều. Biết thế, tiếc thế, nhưng thời hiện đại khó cho phép người ta nhẩn nha. Đất cấy hai vụ nếp, kém chất hơn nhưng không thể để cho kịp “hồi”, cứ phải quay vòng hối hả mới được. Giống mới 87 không thơm nhưng sản lượng cao hơn, làm sao từ chối. Vội thế mà Tú Lệ vẫn nghèo, nếp bán ra cả năm thu có 2,6 tỷ đồng. Già bản Hà Văn Đàm nói muốn tìm cây con gì ra của hơn nhưng “Tú Lệ không có nếp thì không thành Tú Lệ nữa”. Dầu vậy, đất này còn giữ những “phong cảnh” thật truyền thống: đám tang bố chồng, con dâu vừa khóc vừa quạt hơi xôi bay ra chỗ quan tài. Đi làm nén xôi vào coóng khẩu trúc, bỏ thêm tỏi, muối hay chẩm chéo vào, đến nơi hái nắm rau bí, rau má hay đẵn măng sặt thêm vào là thành bữa. Cốm Tú Lệ vừa giã vừa xẩy chín lần, thật hạt, không xanh trong như cốm xuôi, nơi người ta hồ bằng lá gừng, lá mía, có màu có hương mà đem đi xa dễ thiu.
*
Giờ thì Tú Lệ đã ở phía sau. Nhưng trước tôi lại ngổn ngang bao nhiêu câu hỏi. Vùng đất đẹp đã có nhiều thay đổi tích cực: đất đai quay nhiều vụ, con người làm ăn khôn ngoan ra, biết làm thương nghiệp, dịch vụ. Nhưng truyền thống lại đang bị thử thách, như sự bền chắc của khái niệm gia đình, như hỏi Xống chụ sôn sao với những câu hát truyền đời của người Thái, sao ít người già biết. Những người trẻ tuổi bỏ quê ra đi, người vì nghèo, người vì tự ti văn hóa. Những tít báo kiểu “MC Bảo Chi bật khóc trong lễ thành hôn” dưới xuôi, những phim Hàn Quốc đẫm tình trên ti vi vẫy gọi họ. Và giống lúa nếp nổi tiếng khắp miền Tây, lần sau lên liệu có còn thuần chủng hay đã hóa cao sản, pha phách mất rồi… Sự gần gũi nhịp sống hiện đại, phát triển nào quả là cũng có giá cả, mà nhiều khi rất đắt.
Chừng như lo ngại mạch truyền thống đang tuột dần, dưới Nghĩa Lộ, ở tuổi 77, ông già Lò Văn Biến đang soạn giáo trình, dạy tiếng Thái, chữ Thái cho dân, cán bộ thị trấn, phường. Tôi phải quay lại đấy xem mới được…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.