Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cách giáo dục

NGƯỜI XÂY DỰNG| 05/07/2017 05:52

(HNM) - Khoảng 9h ngày 24-6, ông Tiến ở phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) đang ngồi chờ xe buýt tại nhà chờ bên hồ Thiền Quang thì thấy một người mẹ trẻ dẫn theo cậu con trai chừng 10 - 11 tuổi đi lại.


- Cháu chào ông ạ.
Khi hai mẹ con ngồi xuống ghế đợi, ông Tiến hỏi vui:
- Cháu ngoan quá, hôm nay được mẹ cho ra Công viên Thống Nhất chơi chắc vui lắm nhỉ?
- Dạ không ạ, bây giờ mẹ mới dẫn cháu đi thăm bảo tàng, ở đấy có cả “súng” ông nhỉ?

Nghe vậy, người mẹ trẻ quay sang nói với ông Tiến:
- Con cho cháu đến tham quan Bảo tàng Công an Hà Nội ở 67 phố Lý Thường Kiệt, nghe được đến đây cháu háo hức lắm…
- Chắc gia đình có người làm công an? - Ông Tiến hỏi.
- Dạ không - Người mẹ trẻ đáp rồi nói tiếp - Con thấy ngoài việc học lịch sử qua sách vở thì đến bảo tàng, được xem hiện vật, hình ảnh, tư liệu, được nghe thuyết minh các cháu sẽ nhận thức, tiếp thu bài nhanh hơn nên cho cháu đến thăm…
Nói đến đây thì chiếc xe buýt tuyến 32 dừng đỗ nên ông Tiến chia tay hai mẹ con.

Kể lại với Người Xây Dựng, ông Tiến nói, cho trẻ đến tham quan viện bảo tàng cũng là một phương pháp giáo dục truyền thống lịch sử bổ ích và thiết thực. Dịp hè, bên cạnh việc cho trẻ đến công viên, bể bơi, thư viện thì cũng nên cho các cháu đến tham quan bảo tàng để trẻ thêm hiểu biết, tự hào, biết ơn công lao của các thế hệ đi trước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, có ích cho việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một cách giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.