Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ngày 21-8 cho biết kinh tế Việt Nam sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm tới và hỗ trợ ổn định mức nợ chính phủ.
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon vốn đầu tư của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Phố Nối A. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Theo Moody’s, mức tăng trưởng này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ sức cạnh tranh gia tăng, các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh của Việt Nam. Tuy vậy, những rủi ro trong hệ thống ngân hàng, tình trạng dễ biến động phá vỡ chu kỳ ổn định của thị trường tài chính vẫn là một rào cản đối với việc lan tỏa sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Các kết luận của Moody's bao gồm báo cáo mới công bố "Chính phủ Việt Nam: Câu hỏi thường gặp (FAQ) về triển vọng tăng trưởng, thương mại và nợ chính phủ”.
Báo cáo của Moody's cho hay đầu tư là nhân tố đóng góp chính cho mức tăng trưởng 6%/năm trong một thập niên qua của kinh tế Việt Nam, song năng suất lao động sẽ ngày càng thúc đẩy mức tăng trưởng chủ đạo khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang chuỗi giá trị cao hơn và vai trò của khu vực tư nhân gia tăng.
Những cải thiện về sức cạnh tranh nói trên, cùng với một sự kết hợp các dòng chảy thương mại mạnh mẽ và tiêu dùng tăng mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình của Việt Nam ở mức 6,4% trong giai đoạn 2018-2022, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 3,5% của một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba3 (như Việt Nam hiện nay).
Trong khi đó, những tác động của tình trạng xung đột thương mại giữa Mỹ (có mức xếp hạng Aaa với triển vọng ổn định) và Trung Quốc (A1, ổn định) có thể tác động bất lợi đối với Việt Nam nếu mức thuế quan mà hai nước này áp dụng được mở rộng sang các sản phẩm có trong chuỗi cung cấp về điện thoại di động - mà Việt Nam đang tập trung sản xuất - hay ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ như Hàn Quốc (Aa2, ổn định).
Với mức nợ chính phủ của Việt Nam hiện tương đương 52% GDP nhìn chung khá phù hợp với mức nợ chính phủ trung bình khoảng 50% GDP đối với một quốc gia được xếp hạng tín nhiệm Ba.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa mạnh mẽ sẽ ổn định nợ chính phủ của Việt Nam ở mức trên. Ngoài ra, cơ cấu nợ của Việt Nam đã được cải thiện, với việc kéo dài thời gian đáo hạn và giảm tỷ trọng nợ vay ngoại tệ đang giúp Việt Nam hạn chế mức độ ảnh hưởng của các "cú sốc" tài chính bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.