(HNM) - Giữa những ngày làm việc đầu năm, cuộc đối thoại của Hànộimới với GS,TS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - người tham gia "thiết kế" và "thi công" chiến lược đổi mới của ngôi trường được coi là bộ mặt của giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - xoay quanh vấn đề đổi mới giáo dục đại học. Đây là một vấn đề không mới nhưng lại không hề cũ.
GS.TS Nguyễn Trọng Giảng. Ảnh: Viết Thành |
Trời hạn đã gặp mưa, tiếc là chưa đủ thấm đất
+ Thưa ông, suốt tháng cuối năm vừa qua, lịch công tác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận kín những cuộc làm việc với các trường về nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học (GDĐH), trong đó buổi tọa đàm, thảo luận với ĐH Bách khoa Hà Nội có sự tham gia của rất nhiều cơ quan báo chí khiến cho vấn đề này trở nên “nóng” trong dư luận.
- Với chúng tôi thì, đổi mới luôn vừa là cơ hội, vừa là thách thức và luôn là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, đổi mới căn bản, toàn diện không phải bây giờ mới được đặt ra mà từ năm 2005, cụm từ này đã xuất hiện trong Nghị quyết số 14 của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Minh Hiển ngày ấy đã có những ý tưởng rất hay mà cho tới nay tôi vẫn tiếc là đã không được đưa vào áp dụng. Cảm giác của tôi lúc đó là như trời hạn gặp mưa, nhưng rồi suốt một thời gian rất dài sau đó, tình hình đã không có gì xoay chuyển...
+ Nói một cách hình ảnh, đang hạn, gặp mưa nhưng lượng mưa quá ít chưa đủ thấm đất?
- Thực ra, Nghị quyết 14 nếu được áp dụng ngay từ đầu thì sẽ rất hay bởi nó đã đề cập những vấn đề cốt tử của GDĐH. Nhưng, cách chúng ta làm trong những năm vừa qua khiến cho việc “chữa trị” những “căn bệnh” vốn có của GDĐH chỉ giống như thấy sốt thì cho uống thuốc hạ sốt, thấy ho cho uống thuốc giảm ho mà không tìm ra căn nguyên gây nên những triệu chứng ấy. Tôi xin dùng hình ảnh thế này cho dễ hiểu. GDĐH giống như một “cơ thể” đang có bệnh, nguyên nhân chính là do một huyệt đạo quan trọng nào đó đang bế tắc mà người ta cứ loay hoay mãi không tìm ra huyệt bị bế để khai thông.
+ “Huyệt đạo” đó phải chăng là những vấn đề “căn bản, toàn diện” mà ngành giáo dục đang đi tìm?
- Nếu “huyệt đạo” mà như cách hiểu của nhà báo thì nhiều quá. Tôi nói vui thế thôi, thuật ngữ “căn bản” có lẽ ai cũng hiểu, nhưng trong GDĐH “căn bản” cụ thể được cấu thành từ những gì thì không phải ai cũng hiểu thấu đáo. Những cuộc trao đổi, thảo luận với các cơ sở GDĐH mà Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai cũng là để tìm câu trả lời cho những câu hỏi : đổi mới căn bản và toàn diện thì phải bắt đầu từ đâu, những gì là căn bản, là cốt lõi, là động lực để thúc đẩy hệ thống đổi mới và tự nó đổi mới được…
+ Vậy theo ông “huyệt đạo” đó nằm ở chỗ nào trên “cơ thể” GDĐH ?
- Nó nằm ở công tác quản lý nhà nước. Trước kia, thời bao cấp ta chỉ có ĐH công lập, các trường không phải cạnh tranh, không nghĩ tới chuyện hội nhập quốc tế. Giờ thì ngoài trường công còn có trường tư, trường quốc tế, trường của địa phương, rồi trường của các tập đoàn kinh tế, trường 100% vốn nước ngoài, trường kết hợp trong và ngoài nước... Có trường hiện thuộc Bộ GD-ĐT, có trường trực thuộc Chính phủ, thuộc vùng hay tỉnh và các bộ, ngành khác. Các trường không chỉ phải tuân thủ mỗi Bộ GD-ĐT, mà Bộ GD-ĐT vẫn phải có nhiệm vụ quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm cả hệ thống khiến công việc rối bời và “người thổi còi” là Bộ GD-ĐT phải có cơ chế chấn chỉnh tình trạng này.
Khi hệ thống phát triển phức tạp như vậy, cần phải tìm một cơ chế thích nghi để quản lý. Mở trường là quy luật tự nhiên, chúng ta không nên phê phán việc mở nhiều trường quá mà nên phê phán việc thiếu cẩn thận: khi xem xét cho phép thành lập trường và thiếu cơ chế giám sát thích hợp để các trường được sinh ra, có thể cạnh tranh lành mạnh, phát triển và đào thải.
+ Bộ GD-ĐT cũng đã tự nhận thấy vấn đề quản lý nhà nước là điểm yếu và nhiều năm nay đã tập trung đổi mới công tác này nhưng ít chuyển biến, phải chăng bởi nó chưa giải quyết vào vấn đề căn bản?
- Bộ GD-ĐT đã xem xét, hiệu chỉnh, sửa đổi nhiều văn bản nhưng nhiều cái không áp dụng được, không đi vào thực tế. Luật hay chiến lược không giải quyết được vấn đề khi không thể hiện định hướng tương lai, thậm chí đưa vào đó cả cái chưa chuẩn, cái đang gây tranh cãi. Các giải pháp của Bộ chưa xác định được nút thắt nằm ở đâu. Nhiều việc như làm luật, làm chiến lược, tưởng như là căn bản nhưng thực ra chính luật đó, chiến lược đó chưa dựa trên những điều căn bản. Giống như các anh đang phá nhà ống để xây biệt thự, nhưng lại xây trên móng nhà cũ, nên biệt thự cứ xây lại đổ... vì thiết kế nhà mới và móng cũ chẳng ăn nhập với nhau.
Xây “móng” từ khái niệm cơ bản nhất
+ Ông từng được đào tạo về xây dựng chiến lược, có một thời gian là trưởng ban đánh giá của Dự án phát triển GDĐH. Vậy theo ông, muốn biệt thự không bị đổ thì móng phải thay đổi như thế nào?
- Theo tôi, phải xem xét lại từ khái niệm cơ bản nhất của hệ thống GDĐH. Ví dụ như mô hình tổ chức, cấu trúc hệ thống, mô hình đào tạo và hệ thống bằng cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức và cấu trúc hệ thống ĐH của chúng ta chưa chuẩn và không giống bất kỳ nước nào, trường đơn ngành, đơn lĩnh vực (school, college) cũng đang mang danh “university”, rồi ta có “university” trực thuộc… “univesity”; khái niệm về học viện, trường ĐH cũng “gò ép”, không rõ ràng. Những khái niệm cơ bản về trình độ, bậc đào tạo CĐ, ĐH, sau ĐH cũng chưa rõ, không thống nhất và đương nhiên chưa hội nhập quốc tế; thậm chí trong luật còn nhầm lẫn, đánh đồng cử nhân (CN) kỹ thuật và kỹ sư, CN luật và luật sư, CN kiến trúc và kiến trúc sư… Những vấn đề tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng và căn bản. Nếu không mạch lạc trong những vấn đề đó thì khó làm được luật, khó có thể xây dựng được chiến lược phát triển đúng! Cấu thành cái “móng” có thể còn các yếu tố khác nữa thuộc phạm trù “căn bản”, “nền tảng” cho phát triển hệ thống như cơ chế quản lý nhà nước về GDĐH chẳng hạn. Mục tiêu phát triển của GDĐH, hay cái biệt thự mà chúng ta đang định xây, phải dựa trên nền tảng hay cái móng đúng đắn, vững chắc thì mới thành công, biệt thự mới không bị đổ.
+ Lâu nay, nhiều người vẫn coi cơ chế tự chủ mới là “gốc” của vấn đề GDĐH hiện nay…
- Nói thế cũng không sai, nhưng là giải pháp “gốc”, giải pháp cơ bản, giải pháp của các giải pháp, là “chìa khóa” để vận hành cỗ máy hệ thống ĐH. Nếu xem hiện trạng của GDĐH Việt Nam hiện nay là xuất phát điểm và mục tiêu phát triển mà chúng ta kỳ vọng là đích phải đến, thì “con đường” nối giữa hiện tại và tương lai đã được định rõ: đó là “đổi mới căn bản và toàn diện”. Vậy ta sẽ dùng “phương tiện” nào để đi trên con đường đổi mới đó, cho phép tiến nhanh và ổn định? Đó chính là tự chủ! Do vậy, đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, trao quyền tự chủ cho các trường ĐH, theo tôi là giải pháp “gốc” để phát triển hệ thống ĐH Việt Nam.
+ Vấn đề tự chủ đã được bàn cãi nhiều, nhưng tới tận giờ phút này, cơ quan quản lý vẫn e ngại các trường tự chủ thì sẽ thoát khỏi sự quản lý, các trường thì lo rằng tự chủ sẽ bị cắt bao cấp?
- Có thể có tâm lý đó ở một bộ phận nào đấy. Nhưng thoát làm sao khỏi quản lý nhà nước! Có chăng là thoát khỏi sự quản lý theo cơ chế tập trung, bao cấp, nặng về kiểm soát bất cập hiện nay để chuyển sang chấp hành cơ chế quản lý mới, tiến bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn : cơ chế giám sát thực thi luật pháp. Giống khi anh cho một đứa con đã “đủ lông, đủ cánh” tách ra khỏi gia đình sống tự lập. Có nghĩa anh đã trao cho nó quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cuộc sống của mình. Như vậy, nó đâu phải không còn là con anh. Anh vẫn phải dõi theo nó, tư vấn cho nó, đầu tư cho nó theo khả năng của mình.
Tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm sẽ phát huy tối đa nội lực của các cơ sở đào tạo. Kết hợp với môi trường cạnh tranh lành mạnh, sự phân cấp quyền tự chủ cho các trường sẽ phát huy tối đa sức mạnh tổng thể của cả hệ thống, tạo nền tảng và động lực để toàn bộ hệ thống tự đổi mới.
Căn bản và toàn diện ở Bách khoa Hà Nội
+ Năm ngoái, ĐH Bách khoa Hà Nội đã được thực hiện thí điểm tự chủ. Một lần nữa trường lại là nơi được Bộ GD-ĐT trao trọng trách làm “bà đỡ” cho nhiều cái mới.
- Không chỉ là “bà đỡ” đâu, Bách khoa còn “thai nghén” và “sinh nở” nữa đấy!
+ Thế lần “thai nghén” này có khó khăn không, thưa ông?
- Lúc nào cũng đầy khó khăn. Bách khoa bắt đầu quá trình đổi mới từ rất sớm. Năm 1997, trường đã có “Kế hoạch chiến lược phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 1997-2020” với định hướng xây dựng trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành trường ĐH quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực với KHCN là then chốt, trên cơ sở phát triển nội tại với mô hình tổ chức là trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực (university) bao gồm các học viện là các trường đại học đơn ngành, đơn lĩnh vực (schools) và các viện, trung tâm nghiên cứu (institutes, research centers) nhằm đạt mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Đến năm 2006, “Chiến lược phát triển tổng thể ĐH Bách khoa Hà Nội 2006-2020 và tầm nhìn tới năm 2030” là sự hiệu chỉnh cơ bản bản chiến lược năm 1997, trong đó đề cập tới các vấn đề liên quan đến tự chủ, đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Có thể nói, chúng tôi đã sớm rõ đường đi và đích cần tới. Vấn đề là đi thế nào để đến đích nhanh nhất.
+ Vậy Bách khoa đã “đi” thế nào, thưa ông ?
- Hiện nay chúng tôi đang tích cực triển khai phân cấp quản lý cho các đơn vị quản lý cấp 2 (các học viện, viện và trung tâm nghiên cứu). Từ năm 2009, được phép của Bộ GD-ĐT, ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu triển khai đề án “Đổi mới mô hình, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học giai đoạn 2009-2015”. Theo đề án này, mô hình, nội dung, chương trình đào tạo ĐH, sau ĐH của trường đã được đổi mới một cách cơ bản theo hướng hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tăng cường tính linh hoạt của các chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, thậm chí của từng doanh nghiệp và khả năng người học.
Một điểm rất căn bản nữa là đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ (CGCN) để hoạt động NCKH, CGCN thực sự trở thành khâu đột phá.
Muốn tự chủ thì phải có thực lực và với mục tiêu phấn đấu trở thành một trường ĐH nghiên cứu thì phải “sống được” bằng NCKH và thành quả nghiên cứu. Có được đề tài, ra được sản phẩm cụ thể nhưng chuyển giao thế nào để tăng nguồn thu cho nhà trường, cho các tập thể nghiên cứu? Làm sao để tăng cường sự gắn kết giữa NCKH và CGCN thông qua lợi ích kinh tế đem lại? Rồi công tác quản lý tài chính, sử dụng và khai thác tài sản công… đó là hàng loạt câu hỏi mà chúng tôi phải có biện pháp giải quyết khả thi.
+ Tham gia “thiết kế” rồi trực tiếp “thi công” con đường đổi mới của ĐH Bách khoa Hà Nội, điều gì ông cho là quan trọng nhất ở người đứng đầu?
- Tôi nghĩ rằng, khi anh ở cương vị là người đứng đầu, thì anh phải có ý chí của người lãnh đạo, có chủ đích và phải trăn trở suy nghĩ về những việc cần làm. Khi đã suy nghĩ thấu đáo, cần đem ý chí của mình trao đổi và lắng nghe ý kiến của anh em, nhưng không nên hỏi người ta “nên làm thế nào” mà phải hỏi “làm thế này được chưa”. Nếu nói một cách hình ảnh thì, nếu phải đẽo cái cày, hãy tự đẽo đi đã, sau đó hãy hỏi người khác là cần gọt giũa chỗ nào, đánh bóng ở đâu, chứ không nên đưa cho mỗi người một khúc gỗ rồi bảo họ đẽo cày bởi như thế thì sẽ chả bao giờ có được cái cày như mong muốn.
- Xin cám ơn ông vì những chia sẻ thẳng thắn và đầy tâm huyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.