Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong một sân chơi cho võ thuật tổng hợp

Minh An| 29/04/2019 07:15

(HNM) - ...Trên sàn tập, một anh chàng to con hất hình nhân bằng cao su nặng đến cả tạ xuống đất rồi lao vào đấm liên hồi. Ở góc khác, một thanh niên lại xoay tròn chiếc lốp ô tô quanh người.

Người tập võ thuật tổng hợp phải thành thạo nhiều kỹ năng. Ảnh: Tiến Tuấn


Lạ mà quen

Huấn luyện viên Đào Việt Lập của Câu lạc bộ Dragon MMA Fitness giải thích: “Đừng thấy cảnh người lao vào đấm đá hình nhân mà sợ nhé. Đúng là trong thi đấu võ thuật tổng hợp cho phép ra đòn khi đối thủ ngã xuống. Tuy nhiên, cả người tấn công và người ngã đều phải có kỹ năng xử lý. Đôi lúc, chưa chắc người tấn công đã có lợi thế. Đó cũng là tình huống thực tế có thể gặp phải ngoài đời và bạn phải có giải pháp. Còn trong thi đấu, khi đã ngã và có ít nhất 3 điểm trên cơ thể chạm đất thì đối thủ không được tấn công nữa”.

Đào Việt Lập từng Vô địch thế giới môn Tán thủ (đối kháng, wushu) cách đây hơn 20 năm. Lúc ấy, cái tên Đào Việt Lập nổi như cồn. Đến bây giờ anh vẫn gắn bó với wushu với tư cách một huấn luyện viên. Tại Dragon MMA Fitness, Đào Việt Lập tham gia huấn luyện những kỹ năng của Tán thủ - được xem là một phần của những kỹ năng võ thuật tổng hợp. Như lý giải của anh, võ thuật tổng hợp là môn thể thao mang tính đối kháng toàn diện, cho phép võ sĩ đấm, đá, vật. Mục đích của môn võ này là tìm ra kỹ năng chiến đấu hoàn hảo nhất từ những môn võ khác nhau trên thế giới. Thế nên, trong các cuộc đấu võ thuật tổng hợp, người ta mới thấy bóng dáng của đấu vật, quyền Anh, judo, karatedo, taekwondo, jujitsu, wushu…

Tại Dragon MMA Fitness, Lê Giang là một trong những người tập có thâm niên lâu nhất. Từng theo tập Tán thủ (wushu), boxing nhưng Lê Giang vẫn tìm đến võ thuật tổng hợp để thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu về võ thuật thế giới. Nếu cần, anh chàng đã 30 tuổi này có thể kiên nhẫn giải thích cặn kẽ về võ thuật tổng hợp cho người ngoại đạo, từ việc môn võ này rèn luyện sự mạnh mẽ, bản lĩnh cho người tập đến việc sử dụng tay, chân và kỹ năng vật, khóa đối thủ như thế nào trong khi thi đấu...

Lê Giang chia sẻ, tại câu lạc bộ của anh thường có 60-70 học viên tập luyện võ thuật tổng hợp. Người tập làm nhiều ngành nghề khác nhau, từ nhân viên văn phòng, kinh doanh, nhiếp ảnh đến nghề tự do… Đa số biết đến môn võ này từ những hiệu ứng truyền thông, qua những giải võ thuật tổng hợp trên truyền hình, trong đó nổi bật nhất là hệ thống giải UFC. Hiện nay, khi ở Việt Nam không có giải đấu võ thuật tổng hợp, họ đều xác định tập luyện cho khỏe, mạnh mẽ, giàu bản lĩnh hơn. Có người lại chỉ đặt mục tiêu đơn giản là giảm béo. Theo Lê Giang, trong quá trình tập luyện võ thuật tổng hợp, học viên được tập nhiều kỹ năng ở nhiều môn khác nhau. Vì thế sẽ có những buổi tập cơ bản chung nhưng cũng có nhiều buổi chuyên sâu về tay, chân hoặc kỹ năng vật, khóa đối thủ. Tuy nhiên, có một điểm chung là người chơi võ thuật tổng hợp phải thành thạo ít nhất kỹ năng khóa, vật bên cạnh bộ tay hoặc bộ chân. Ngoài ra, chỉ sau một thời gian tập ở câu lạc bộ, nhiều người cũng nhận ra rằng giảm béo không có nghĩa chỉ là giảm cân. Việc giữ cân mà vẫn có một thân hình gọn gàng, săn chắc mới thực sự cần thiết.

Hiện tại, ngoài Dragon MMA Fitness, tại Hà Nội chỉ có một số câu lạc bộ võ thuật tổng hợp hoạt động khá hiệu quả, trong đó có Songhong MMA ở ngõ 264 Âu Cơ, Agoge (Thành Công, Ba Đình), MMA Vinh Quang Sport (Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm)… Trong số này, Songhong MMA đang thu hút nhiều người nước ngoài đến tập luyện.

Mơ ước có giải đấu chính thống

Có lần tôi đã hỏi Lê Giang: “Tập luyện thế này mà không được thi triển những kỹ năng tại các giải đấu võ thuật tổng hợp thì thấy thế nào?”. Lê Giang chỉ cười: “Chúng em cũng muốn có sân chơi chính thống của môn võ này nhưng phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan. Dù thích thi đấu nhưng chúng em cũng không muốn tham gia vào những giải đấu không đạt đủ điều kiện...”. Câu chuyện của Lê Giang cũng tương tự như chuyện nhiều học viên ở Dragon MMA Fitness - những người muốn thử sức ở sân chơi chính thống, được cơ quan quản lý nhà nước công nhận. “Nếu có sân chơi, em tin rằng các câu lạc bộ võ thuật tổng hợp sẽ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ”, Lê Giang khẳng định.

Khi tôi đặt ra nghi ngại về sức hút của những giải đấu võ thuật tổng hợp thì cả huấn luyện viên Đào Việt Lập và Lê Giang hay nhà cựu Vô địch thế giới môn Tán thủ Mai Thanh Ba - người đang tích cực phát triển võ thuật tổng hợp ở Hà Nội, đều tin rằng các giải đấu này sẽ thu hút người chơi. Bởi, đơn giản môn võ này tạo điều kiện để người chơi từ mọi môn phái đều có thể tham gia. Ngoài ra, các giải đấu võ thuật tổng hợp được tổ chức có tính giải trí với nhiều hoạt động bên lề cũng sẽ thu hút người xem, nhất là giới trẻ. Vấn đề là luật chơi sẽ phải phù hợp với môi trường văn hóa Việt Nam, trong đó hướng đến sự bảo vệ người chơi nhiều hơn.

Huấn luyện viên Đào Việt Lập cũng cho biết thêm, cộng đồng võ thuật tổng hợp tại Việt Nam ngày một đông hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để môn này phát triển, lan tỏa rộng rãi hơn. Như trên hai trang mạng xã hội về võ thuật tổng hợp nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là MMA Viet Nam Group và Cộng đồng MMA Việt Nam, giai đoạn 2014-2015 mới có khoảng 2.000-3.000 người theo dõi thì đến nay, trang Cộng đồng MMA Việt Nam đã có gần 29.000 thành viên và trang MMA Viet Nam Group cũng có hơn 18.000 thành viên.

Dù vậy, con đường để võ thuật tổng hợp phổ cập hơn ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội, sẽ phải được thực hiện bài bản. Như việc phải có một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tạo nền móng cho hoạt động của môn võ này, trong đó có việc thống nhất tập luyện, tổ chức thi đấu, có định hướng phát triển và quản lý theo đúng pháp luật. Còn trước mắt, những người đam mê như Lê Giang vẫn cứ tập, say mê với môn võ thuật vừa lạ, vừa quen của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mong một sân chơi cho võ thuật tổng hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.