(HNMO) - Vừa qua, Báo Hà Nội mới có buổi phỏng vấn Cho Ho Seok - Tổng giám đốc Hành chính nhân sự Samsung Việt Nam về hoạt động đầu tư của Công ty Samsung Việt Nam, môi trường làm việc nhân viên cũng như những đóng góp của công ty này trong các công tác xã hội ở Việt Nam.
Phóng viên: Hiện nay, kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng mà nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có tập đoàn Samsung thì vẫn lựa chọn Việt Nam làm điểm đến để trở thành quốc gia đầu tư lớn số 1 tại Việt Nam. Vì sao?
Ông Cho Ho Seok: Trước khi đầu tư vào Việt Nam, chính thức là vào năm 2007 tại tỉnh Bắc Ninh, tập đoàn đã khảo sát và đánh giá trước về môi trường đầu tư tại Việt Nam và nhận thấy được rất nhiều yếu tố thuận lợi. Có 2 yếu tố nổi trội: Thứ nhất là chính phủ Việt Nam luôn hỗ trợ có những đường lối chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, yếu tố rất quan trọng, đó là lực lượng lao động Việt Nam rất trẻ và là những người có kĩ năng, tay nghề rất tốt.
Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng Samsung đã quyết định đầu tư và dồn toàn lực vào Việt Nam.Nhà máy Samsung Bắc Ninh được xây dựng và đi vào chính thức hoạt động vào năm 2008. Qua một thời gian điều hành công ty và thấy có những kết quả bước đầu rất tốt đẹp thì đến 2013, tập đoàn Samsung đã chính thức đầu tư bước thứ 2 tại tỉnh Thái Nguyên. Như mọi người đã biết, lĩnh vực sản xuất của Samsung Điện tử Việt Nam là sản xuất mảng chính là điện thoại di động, công việc cần sự khéo léo, tỉ mỉ liên quan đến việc lắp ráp điện thoại. Công nhân Việt Nam, lực lượng lao động Việt Nam đáp ứng rất tốt những yêu cầu đó.
Hiện tại công ty Samsung đã trở thành công ty toàn cầu, trong đó để có được kết quả đó thì không thể không kể đến sự đóng góp của đông đảo lực lượng nhân viên.Chắc chắn trong thời gian tới, Samsung sẽ nỗ lực phát triển hơn nữa để đưa sự hoạt động của hai nhà máy vào ổn định, để có thể đạt được những mục đích cũng như những kế hoạch phát triển.
Phóng viên: Vậy trong thời gian Samsung lựa chọn để đầu tư vào Việt Nam, tập đoàn Samsung đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình khảo sát, thủ tục hành chính, tuyển nhân sự?
Ông Cho Ho Seok: Theo kết quả điều tra khảo sát trước của tập đoàn, tôi được biết là Việt Nam là một nước có dân số trẻ, độ tuổi trung bình từ 20-23 tuổi, trên tổng số 98 triệu dân thì lực lượng lao động rất là lớn. Theo kết quả điều tra, con số tốt nghiệp cấp 3 hàng năm vào khoảng 1,200,000 nhân lực. Thực tế, nhìn chung môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa có quá nhiều những tập đoàn lớn đang đầu tư, bởi vậy tôi nghĩ rằng sau khi Samsung đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi cũng không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.
Theo tôi được biết, Việt Nam có rất nhiều khu vực chưa phát triển nhiều về công nghiệp.Đa số người dân đều sống tại những khu vực nông thôn, nơi có rất nhiều nhu cầu về công việc dành cho độ tuổi lao động muốn tăng thêm thu nhập, hoặc mong muốn có công việc ở những khu công nghiệp.
Hiện tại chúng tôi tuyển dụng ở 3 mảng chính: Mảng thứ nhất là nhân viên sản xuất, chúng tôi tập trung tuyển dụng những bạn học sinh tốt nghiệp cấp 3 ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Vì những bạn nhân viên này cũng đã tốt nghiệp cấp 3 rồi, nên kiến thức đủ đáp ứng cho những yêu cầu của chúng tôi, và sau khi vào công ty, chúng tôi cũng đào tạo cho các bạn những kĩ năng làm việc cũng như công tác cần thiết.
Tiếp theo đó, Samsung tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề và trung cấp nghề. Các bạn đó sẽ là những người chịu trách nhiệm về mảng kĩ thuật cũng như thiết bị.Đặc biệt, chúng tôi tuyển dụng rất nhiều cácbạn sinh viên tốt nghiệp những trường đại học thuộc khối công nghệ.Đây sẽ là nguồn nhân lực rất quan trọng, giúp chúng tôi phát triển cũng như cải tiến phần mềm điện thoại di động. Song song với quá trình tuyển dụng, chúng tôi cũng đánh giá và nhận biết được là cần phải đào tạo nguồn nhân lực này, để đáp ứng đủ nhu cầu của công ty cũng như sự phát triển của công nghệ, nên chúng tôi vẫn đang duy trì song song hoạt động tuyển dụng và hoạt động đào tạo nhân lực.
Phóng viên: Có thể nói, Samsung đã hoạt động thành công tại Việt Nam. Vậy ông có những lời khuyên hoặc gợi ý nào dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Cho Ho Seok: Nếu có lời khuyên cho những công ty Hàn Quốc mà có dự định đầu tư vào Việt Nam, tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Điều đầu tiên là khi những doanh nghiệp đó có ý định đầu tư vào Việt Nam thì họ phải có suy nghĩ khác, không phải là đầu tư ngắn hạn. Đểđầu tư ở Việt Nam, họcần những kế hoạch đầu tư dài hạn và những kế hoạch mang tầm chiến lược và cụ thể.
Điều thứ hai , tôi nghĩ, khi đã đầu tư vào Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ở đất nước Việt Nam thì cần phải có suy nghĩ mình làmột doanh nghiệp công dân của Việt Nam. Do vậy, những công tác đi kèm, như công tác xã hội cũng như những hoạt động trực tiếp`để có thể mang lại những lợi ích cho nhân viên cũng như địa phương nơi công ty đang hoạt động. Đó là điều rất quan trọng.Chỉ khi hài hòa tất cả những hoạt động đó, từ đầu tư, chiến lược lâu dài và thực thi hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì công ty mới có thể có những điều kiện cơ bản để phát triển, cũng như thành công khi đầu tư tại Việt Nam.
Phóng viên: Có thể nói rằng, Samsung đã thực hiện rất nhiều các hoạt động tạo dựng sự đoàn kết,thu hẹp khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên như tất cả mọi người cùng ăn trong nhà ăn, Tổng Giám đốc đối thoại trực tiếp hàng tuần với nhân viên... Phải chăng, đó là một yếu tố giúp Samsung thành công tại Việt Nam?
Ông Cho Ho Seok: Tôi đồng ý với ý kiến của chị, đó là việc lãnh đạo công ty và các bạn nhân viên có được mối quan hệ gắn bó sâu sắc là một yếu tố tiên quyết cho việc công ty chúng tôi có thành công hay không
Thực tế, hiện tại, Samsung Điện tử Việt Nam có hai nhà máy sản xuất điện thoại di động: 1 ở Bắc Ninh và 1 ở Thái Nguyên, với tổng nhân lực là 120.000 người, trong đó quản lí Hàn Quốc chỉ có hơn 100 người. Vậy thì với đông đảo số lượng nhân viên Việt Nam như vậy, với 100 người Hàn Quốc, chúng tôi rất khó khăn trong việc có thể tác động đến các bạn nhân viên để các bạn có thể làm việc tốt hơn, làm việc và tuân thủ nội quy cũng như các khâu trong sản xuất đều là do ý thức tự giác của các bạn nhân viên. Bởi vậy, chúng tôi cũng rất tập trung vào việc làm thế nào để có sự giao tiếp thuận lợi cũng như thấu hiểu giữa quản lí người Hàn Quốc và cấp quản lí người Việt Nam, cũng như nhân viên Việt Nam.Nếu trong một tổ chức lớn mà sự giao tiếp gặp khó khăn, hay không được thấu đáo thì chắc chắn tổ chức đó sẽ không bao giờ có được thành công cả
Phóng viên: Tôi muốn hỏi một câu hỏi cá nhân một chút. Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào mà ông đến Việt Nam và ông cảm nhận về đất nước Việt Nam như thế nào?
Ông Cho Ho Seok: Cũng có thể nói, tôi và Việt Nam, cụ thể hơn là Bắc Ninh có nhân duyên, vì thực tế,trước khi sang Việt Nam, công việc chính của tôi cũng là tổng quản lí nhân sự bên tập đoàn ở Hàn Quốc. Trong rất nhiều lần đi công tác cùng với đoàn khảo sát sang Bắc Ninh, tôi đã tới mảnh đất này và chứng kiến từ những giây phút đầu tiên khi từ khi nơi đây vẫn còn là đồng ruộng.
Tính đến nay, tôi đã công tác ở Việt Nam được một thời gian rồi.Trướcđó, tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam lại có thể là quê hương thứ 2 của mình.Nhưng giờ đây,thậm chí có những lúc về Hàn Quốc công tác, tôi rất nhớ Việt Nam. Hiện tại, thời gian, tôi ở Việt Nam còn nhiều hơn Hàn Quốcbởi mộtnăm, tôi chỉ có khoảng 2 lầnvề lại Hàn Quốc và thường là những chuyếnđi ngắn. Thực sự mỗi khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài, tôi nghĩ là 'À, bây giờ mình về nhà rồi đây!’ tôi luôn có suy nghĩ như vậy.
Phóng viên: Vậy ông thấy đất nước Việt Nam và Hàn Quốc có những điểm tương đồng như thế nào về văn hóa con người, đất nước, phong cảnh?
Ông Cho Ho Seok: Xét về mặt văn hóa thì tôi thấy điểm tương đồng lớn nhất giữa Hàn Quốc và Việt Nam là sựtôn trọng, kính trọng những người lớn tuổi, tiếp theo là con cái phải phụng dưỡng và có tâm để chăm sóc bố mẹ và coi đó là trách nhiệm của mình. Đó là điều mà tôi thấy giữa Hàn Quốc và Việt Nam giống nhau nhất.
Điều thứ 2, là giữa những mối kết giao, tôi thấy rất nhiều tình cảm, luôn luôn mong vun đắp những mối thâm tình đó, luôn giúp nhau trong cuộc sống cũng như là trong xã hội.
Điều thứ 3,theo tôi nhận định, là người Việt Nam và Hàn Quốc thích hát. Vì sao? Vì tôi cứ nghĩ là chỉ có ở Hàn Quốc mới nhiều phòng karaoke như thế, nhưng khi sang đến Việt Nam, ở tất cả tỉnh thành cũng như về những vùng thị xã thì thấy rất nhiều phòng karaoke. Chắc các bạn cũng thích hát giống như người Hàn Quốc chúng tôi.
Tôi nghĩ là với những điểm giống nhau về văn hóa như vậy thì chắc chắn là về tính cách cũng như là về suy nghĩ, người Hàn Quốc và người Việt Nam sẽ có nhiều điểm tương đồng.Tôi nghĩ như chúng ta đang ngồi với nhau như thế này, người khác nhìn vào sẽ không biết ai là người Hàn Quốc, ai là người Việt Nam đâu.
Phóng viên: Vậy có phải chính sự tương đồng về văn hóa, gia đình, sự tôn trọng với những người lớn tuổi là lý do để tập đoàn Samsung đã đề ra chính sáchtổ chức Ngày hội gia đình thường niên để mời cha mẹ các nhân viên đến thăm nhà máy và đi du lịch cùng con cái của mình?
Ông Cho Ho Seok: Tôi cũng là phụ huynh, nên tôi rất hiểu khi con cái mình đến làm việc tại một doanh nghiệp, hay cơ quan nào đó thì là bố mẹ, ai cũng sẽ rất lo lắng không biết môi trường làm việc của con emmình sẽ như thế nào, các quản lý ở đó có tốt không,.đời sống tinh thầncon mình như thế nào?
Hiểu được nỗi lo và những trăn trở đó, chúng tôi đã quyết định tiến hành chương trình Family Day 20 lần/năm,để có thể mời các bậc phụ huynh tới trực tiếp tham quan nhà máy, trực tiếp dùng cơm tại nhà ăn để hiểu hơn vềmôi trường làm việc của con em mình. Sau khi thăm nhà máy, cả gia đình (gồm các phụ huynh và con cái- nhân viên của Samsung) sẽ cùng đi du lịch 2 ngày 1 đêm tại Vịnh Hạ Long hoặc Bái Đính.
Tôi hoàn toàn thấu hiểu, rất nhiều bậc phụ huynh của các nhân viên của tôi chưa từng ra khỏi lũy tre làng.Vì vậy, những chuyến du lịch xa như thế này, với nhiều gia đình nhân viên của chúng tôi là điều không dễ thực hiện.Tình cảm gia đình giữa bố mẹ và con cái được vun đắp sau mỗi chuyến đi, và đây cũng là cơ hội để chúng tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của mỗi một nhân viên trong gia đình Samsung, cũng như trực tiếp lắng nghe những chia sẻ, giãi bày của họ và những người thân trong gia đình họ. Trong quá trình đó và những giây phút nghỉ ngơi ở Hạ Long thì có thể chia sẻ những tâm tư nguyện vọng mà lâu rồi không thể giãi bày được, từ đó tình cảm gia đình sẽ được vun đắp
Phóng viên: Đó là những hoạt động đối với nhân viên. Vậy Samsung đã có những đóng góp gì đối với những tỉnh thành nơi Samsung đang có trụ sở, ví dụ như Bắc Ninh, Thái Nguyên hay ngay cả trung tâm R&D ở Hà Nội sắp tới?
Ông Cho Ho Seok: Nói về những hoạt động cống hiến cho xã hội, Samsung đang tích cực tiến hành ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, trên rất nhiều hoạt động, tập trung vào giáo dục, công tác cộng đồng và môi trường Về mảng giáo dục, chúng tôi đặc biệt chú trọng vào đối tượng học sinh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ở Bắc Ninh, chúng tôi vẫn đang duy trì việc hỗ trợ chương trình, tổ chức sân chơi Đất học Kinh Bắc thường niên cho tỉnh Bắc Ninh.Ở Thái Nguyên, chúng tôi đã trao rất nhiều suất học bổng cho những em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Mới hôm qua thôi, chúng tôi đã trực tiếp trao tặng hơn 100 chiếc xe lăn cho tỉnh Bắc Ninh để có thể trao đến tay những em học sinh cũng như những người khuyết tật của tỉnh.
Hiện tại ở những tỉnh thành khác của Việt Nam, chúng tôi đã xây tặng những thư viện thông minh để các bạn học sinh có thể vào thư viện đọc sách cũng như học thêm về công nghệ sau giờ học chính. Chúng tôi cũng đã set up những máy tính bảng và máy tính cần thiết ở những thư viện thông minh đó.
Hiện tại, tính từ Đà Nẵng ra 33 tỉnh miền Bắc này, chúng tôi đang tiến hành chương trình trao tặng học bổng cho đối tượng là những em năm cuối của các trường trung học phổ thông, để các em có sự khuyến khích để có kết quả học tập tốt hơn nữa.
Chúng tôi rất tự hào khi phát động chương trình hiến máu tình nguyện thành công trong thời gian gần đây. Kết quả số đơn vị máu được hiến thành công là 13,000 đơn vị. Thông qua số lượng hiến máu đó thì chúng tôi cũng đã có được một quỹ từ tổ chức hiến máu nhân đạo của Việt Nam và chúng tôi cũng đãtiến hành trao lại quỹ này cho Viện huyết học truyền máu trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.