Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối quan hệ tương hỗ bền chặt

Lâm Phương| 14/04/2022 07:41

(HNMCT) - Trên thực tế, thời trang kỹ thuật số và thế giới trò chơi đã xuất hiện kể từ khi có các nhân vật là con người trong trò chơi. Trang phục của những nhân vật này không chỉ có chức năng làm đẹp mà còn là dấu hiệu để nhận diện.

Nhiều người cho rằng, thời trang kỹ thuật số được áp dụng vào các trò chơi (game) đã xuất hiện từ cách đây 20 năm, đặc biệt là trong loạt trò chơi Final Fantasy, The Sims. Rất nhiều ý tưởng tích hợp thời trang và trò chơi điện tử được đưa ra, có thể kể đến một số việc như thiết kế bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ trò chơi, xây dựng trò chơi chuyên về thời trang, trong đó, người chơi có thể thử đồ và mua đồ qua kênh ảo. Trong hầu hết các trò chơi hiện nay, người dùng đều có thể chọn ngoại hình và phong cách cho nhân vật của mình theo sở thích cá nhân. Điều này mang đến cơ hội cho các thương hiệu thời trang tiếp thị sản phẩm thông qua nhân vật trong trò chơi. Chẳng hạn như trò chơi Animal Crossing do Nintendo phát triển. Hai tập đoàn thời trang lớn là Marc Jacobs và Valentino đã đưa các thiết kế của họ vào trò chơi, sau đó là sự hiện diện trong trò chơi này của các thương hiệu như Gucci Beauty, Pandora, Ted Baker và H&M.

Không dừng lại ở việc tích hợp trang phục vào các trò chơi nổi tiếng như Animal Crossing, các thương hiệu thời trang cao cấp còn xúc tiến các hợp đồng hợp tác độc quyền và Louis Vuitton là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực này. Nhà mốt Pháp đã ký hợp đồng thiết kế độc quyền với Riot Games, công ty sản xuất trò chơi nổi tiếng Liên minh huyền thoại, để thiết kế trang phục cao cấp cho các nhân vật trong trò chơi. Với việc tích hợp thời trang kỹ thuật số vào game, những người tiêu dùng không đủ tiền mua các trang phục may sẵn ngoài đời của Louis Vuitton đều có thể trải nghiệm thương hiệu xa xỉ này thông qua trò chơi.

Ngoài ra, các hãng thời trang còn tạo ra các trò chơi hỗ trợ mua sắm độc quyền nhằm giúp người tiêu dùng có thể tự thử trang phục. Trò chơi này, có sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR), giúp người dùng thử đồ trong môi trường ảo mà không cần phải trực tiếp ra cửa hàng. Tính năng thử đồ, được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép người dùng tạo hình ảnh 3D từ một bức ảnh của bản thân, sau đó có thể thử trang phục trên hình ảnh này. Nhờ tính năng thử đồ online, người dùng hình dung tốt hơn về quần áo mà mình muốn mua. Điều đó giúp họ có quyết định sáng suốt hơn khi mua hàng, giảm thiểu khả năng trả lại hàng.

Các nhà thiết kế thời trang khẳng định, trò chơi điện tử là điểm xuất phát tuyệt vời cho các hãng thời trang tích hợp sản phẩm kỹ thuật số của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối quan hệ tương hỗ bền chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.