Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy với sức khỏe

Thu Trang| 20/02/2017 07:28

(HNM) - Ngay trong đợt ra quân thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các lễ hội, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã phát hiện nhiều mẫu bát, đĩa không bảo đảm vệ sinh tại các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân năm 2017, các đoàn kiểm tra ATVSTP của TP Hà Nội đã thực hiện kiểm tra đối với 6.880 cơ sở kinh doanh ngành hàng ăn uống, phát hiện gần 2.000 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 1.400 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 6,5 tỷ đồng. Kết quả kiểm tra còn cho thấy có 484 mẫu được xét nghiệm nhanh trên xe xét nghiệm chuyên dụng, trong hơn 50 mẫu kiểm nghiệm không đạt độ an toàn có gần 40 mẫu bát, đĩa chưa được rửa sạch.

Bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc bát, đũa không được rửa sạch hay những vết trầy xước trên các bát nhựa, đũa nhựa là mảnh đất màu mỡ cho các loại siêu vi trùng như rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấp. Đó cũng là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn như Samonella, E.Coli, sinh vật đơn bào có amip, trùng roi... gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hay vi khuẩn Helicobacter Pylori gây viêm loét dạ dày xâm nhập cơ thể.

Đoàn kiểm tra làm test nhanh, phát hiện nhiều mẫu bát của cửa hàng ăn uống rửa còn bẩn Ảnh: An ninh thủ đô.


Có một thực tế là hầu hết các gánh hàng rong đều không có nhiều nước để rửa sạch bát, đĩa. Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhân viên Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley kể: Mới đây, gia đình tôi tổ chức chuyến đi lễ đầu xuân tại các đền, chùa ở tỉnh Tuyên Quang. Ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng nên khi vừa lên tới nơi, vợ chồng tôi ghé ngay vào một gánh bún rong ở ven đường để chống đói. Điều đầu tiên đập vào mắt là đống bát đũa, thìa dùng rồi được người bán hàng vứt ngay dưới nền đất. Cạnh đó là một thùng sơn đựng nước, trong đó nổi lều bều váng mỡ, sợi hành, rau và một chậu nhỏ có chút bọt xà phòng. Ngay sau khi thực khách ăn xong, chủ hàng nhanh tay cho đống bát, đũa bẩn vào chiếc chậu xà phòng, ngoáy ngoáy vài lần rồi chuyển tất cả sang thùng sơn đựng nước, sau đó vớt ra để chuẩn bị phục vụ lượt khách mới. “Biết là bẩn lắm mà không làm thế nào được, vì đã lỡ gọi rồi”, anh Nguyễn Huy Hoàng nói.

Từng làm thuê cho nhiều cửa hàng ăn, em Nguyễn Thị Huệ (25 tuổi, quê ở Phú Thọ) chia sẻ, chủ quán không quan tâm đến chuyện bát đũa sạch, bẩn thế nào. Điều mà họ cần là em rửa được bao nhiêu bát, đũa, càng nhiều, càng nhanh thì càng tốt. Ở nhiều hàng ăn, để tiện cho việc gom đồ ăn thừa, công đoạn rửa bát diễn ra ngay cạnh khu nhà vệ sinh hoặc nơi tập kết rác thải, cống rãnh. Thậm chí, chủ gánh hàng rong còn áp dụng giải pháp tối ưu để làm sạch bát đĩa trong điều kiện thiếu nhân lực, thiếu nguồn nước, đó là dùng khăn. Người bán hàng dùng chiếc khăn này lau mọi thứ, từ lau tay đến dao, thớt, bát, đĩa.

"Nhiều người chọn mua nước rửa bát đạt tiêu chuẩn, nhưng nếu rửa không sạch thì sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, sau khi đã tẩy chất bẩn, cần phải tráng bát đĩa nhiều lần dưới vòi nước chảy, sau đó để bát đĩa thật khô rồi mới đem ra sử dụng. Người dân cũng nên hạn chế ăn ở những gánh hàng rong hay hàng quán ở vỉa hè để tránh mang bệnh vào người".

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh


Tự bảo vệ mình

Không chỉ rửa bát, đĩa và dụng cụ chế biến thức ăn qua loa, nhiều hàng ăn còn sử dụng nước rửa bát giá rẻ, không nguồn gốc. Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), nước rửa bát không rõ nguồn gốc khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Cụ thể là nếu ăn phải thức ăn đựng trong bát, đĩa chưa được rửa sạch, chất Natri Hidroxit (NaOH) sẽ có tác động xấu đến dạ dày, ăn mòn miệng, làm chức năng của hệ men tiêu hóa bị suy giảm. Ngoài ra, trong thành phần nước rửa bát trôi nổi có phẩm màu công nghiệp không có nguồn gốc rõ ràng, rất dễ gây ngộ độc.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho rằng, trách nhiệm quản lý hàng ăn phục vụ lễ hội thuộc về chính quyền sở tại. Thế nhưng, lực lượng chức năng quận, huyện, xã, phường cũng chỉ quản lý được các cửa hàng kinh doanh cố định, còn với hàng ăn lưu động vốn “nay mọc chỗ này, mai mọc chỗ khác” thì rất khó kiểm soát. Vì không có địa điểm cố định nên nhiều gánh hàng rong chỉ mang theo một xô nước, bát, đĩa được rửa đi rửa lại trong nước bẩn.

Bởi vậy, mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ mình, không nên ăn uống ở những nơi không bảo đảm vệ sinh. Tốt nhất là không vào những nơi mà người bán hàng dùng tay bốc thức ăn, bát đĩa còn dính dầu mỡ, tinh bột hay việc rửa bát được thực hiện gần cống rãnh, thùng rác...

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong vấn đề quản lý hàng rong, dịch vụ cung cấp thức ăn đường phố thì ngoài tăng cường thanh, kiểm tra ATVSTP, việc tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của người buôn bán, thay đổi thói quen của người tiêu dùng là điều quan trọng.

Hiện nay, các địa phương đã thành lập đường dây nóng để khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm ATVSTP, người dân có thể thông tin nhanh để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, bảo đảm tính răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy với sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.