(HNM) - Dù đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc để trị bệnh, nhưng thời gian qua, các ca biến chứng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tự ý trị bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc vẫn diễn ra. Để tránh nguy cơ “tiền mất, tật mang”, người dân không nên đặt cược sức khỏe, tính mạng của mình vào những bài thuốc gia truyền trôi nổi được quảng cáo, đồn thổi vô căn cứ.
Biến chứng do tự chữa bằng thuốc nam
Chỉ hơn 1 tuần, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận liên tiếp 3 bệnh nhi bị bệnh thận nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi gia đình tự ý điều trị bằng thuốc nam. Điển hình là trường hợp của bệnh nhi N.N.Q. (15 tuổi, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) được chẩn đoán suy thận mạn từ tháng 4-2020. Bệnh nhi này được bác sĩ chỉ định điều trị thận bằng lọc máu, song gia đình đã bỏ điều trị và cho trẻ về nhà uống thuốc nam do người quen mách bảo. Kết quả, sau 2 tuần sử dụng thuốc nam, Q. phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rối loạn điện giải, thiếu máu nặng, khó thở, nhịp tim chậm.
Ngoài 3 trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Thị Kiên, Khoa Thận - Lọc máu (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, khoa đã từng tiếp nhận nhiều trẻ mắc bệnh với biến chứng rất nặng, do cha mẹ tự chữa trị bằng các bài thuốc nam được quảng cáo trên mạng internet hay các bài thuốc được mách bảo, truyền miệng không có cơ sở khoa học. “Việc tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc, trôi nổi sẽ mang lại những tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của cả trẻ nhỏ và người lớn”, bác sĩ Nguyễn Thị Kiên lưu ý.
Tương tự, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u vú “khủng” đường kính 15cm cho bà D.T.T. (73 tuổi, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai). Bà T. kể: “Khoảng 20 năm trước, khối u xuất hiện chỉ nhỏ như quả trứng chim cút. Nghe nhiều người mách bảo, tôi đã tự điều trị bằng uống thuốc nam, uống mật gấu, cao hổ cốt, xạ đen…, nhưng khối u ngày càng to dần”.
Theo bác sĩ Vũ Kiên, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại vú - Phụ khoa (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội), với những trường hợp như bệnh nhân T., ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính, nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách, đã biến chuyển thành u ác tính. Không riêng bệnh nhân T., tâm lý nhiều bệnh nhân khi phát hiện cơ thể có khối u thường không muốn phẫu thuật, đụng chạm dao kéo. Thay vào đó, họ lại nghe theo sự mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc nam, thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc. Hậu quả là nhiều bệnh nhân đã bỏ lỡ việc điều trị ở giai đoạn sớm. Khi nhập viện, bệnh đã tiến triển xấu, thậm chí khối u đã di căn, khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị ngộ độc chì, do sử dụng các loại thuốc cam gia truyền trái phép được quảng cáo chống còi xương, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn... Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chì là chất cực độc, khó thải loại, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Khi vào cơ thể, chì sẽ theo máu đến gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ… gây các triệu chứng thiếu máu, suy nhược cơ bắp, liệt chi, suy thận...
Không chữa bệnh tùy tiện
Trên mạng internet hiện có hàng trăm website, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) kinh doanh thuốc đông y gia truyền, với đủ loại đặc trị các bệnh, trong đó có cả những bệnh nan y. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, việc này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó, người bệnh do không được thăm khám trực tiếp để có thể chẩn đoán chính xác, nên rất dễ dẫn đến tình trạng “bệnh một đằng, chữa một nẻo”. Chưa kể, thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm..., khiến người bệnh uống vào có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Bác sĩ Trần Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và chăm sóc vết thương (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho rằng, trong nhiều loại bệnh, việc điều trị thuốc đông - tây y kết hợp sẽ mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng bất kỳ loại thuốc gì cũng đều phải thận trọng, không tùy tiện chữa bệnh. Bởi, dù thuốc đông y có lành tính, nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng. Trong khi đó, nhiều người vẫn cho rằng, dùng thuốc đông y là bổ, lành, an toàn nên có thể tự mua về dùng. Đây là một quan niệm sai lầm, cần phải thay đổi.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khuyến cáo, y học cổ truyền có những bài thuốc quý đã chứng minh được hiệu quả. Tuy nhiên, đó là những bài thuốc đã được kiểm chứng và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chứ không phải là bài thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc, trôi nổi. “Dù lựa chọn đông y hay tây y, người bệnh cũng phải đến các cơ sở y tế được cấp phép rõ ràng, bảo đảm về mặt chuyên môn để tránh tiền mất, tật mang”, ông Trần Văn Chung lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.