Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy từ những cột đèn tín hiệu giao thông “lệch chuẩn”

Bảo Nga - Thanh Hải| 21/01/2015 06:31

(HNM) - Báo Hànộimới vẫn liên tục nhận được phản ánh của người dân về những cột đèn tín hiệu giao thông nằm giữa lòng đường tại nhiều tuyến phố.



Những tưởng sự ra đời của QCVN41:2012/BGTVT sẽ chấm dứt việc thiết kế, lắp đặt biển báo tín hiệu giao thông “lệch chuẩn” thời gian qua. Tuy nhiên, Báo Hànộimới vẫn liên tục nhận được phản ánh của người dân về những cột đèn tín hiệu giao thông nằm giữa lòng đường tại nhiều tuyến phố.

Cột đèn tín hiệu chặn lối đi dành cho người đi bộ. Ảnh: Quốc Bảo


"Trận đồ" cột đèn tín hiệu

Khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng lắp đặt cột đèn tín hiệu giao thông không đúng quy chuẩn, dẫn đến tai nạn đâm va vào cột đèn tín hiệu giao thông tại một số tuyến phố của thành phố, phóng viên Báo Hànộimới đã dành thời gian trực tiếp quan sát tại hiện trường.

Có mặt tại tuyến đường Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng, tại nút giao thông ngã ba Tây Sơn - Thái Thịnh, đập vào mắt chúng tôi là hai hệ cột đèn tín hiệu được lắp đặt ngay dưới lòng đường, chiếm đến 1/3 diện tích lòng đường vốn chật hẹp và luôn nườm nượp người, xe. Để bảo vệ các hệ cột đèn, cơ quan quản lý cho xếp nhiều tấm rào chắn xung quanh tạo thành hai "đảo giao thông" với diện mạo méo mó, biến dạng. Anh Nguyễn Văn Quý - một người dân sống tại số nhà 6 phố Thái Thịnh bức xúc: "Thi thoảng ở ngã tư này lại xảy ra một vài vụ đâm rào chắn, cột đèn tín hiệu. Mật độ xe cộ đông đúc thế này, không hiểu sao người ta lại lắp đặt đến 2 cột đèn giữa lòng đường, làm ngã tư này vốn đã không rộng rãi, lại càng trở nên chật hẹp. Đã vậy, để bảo vệ cột đèn, họ còn cho xếp các tấm rào xung quanh chắn toàn bộ làn đường dành cho người đi bộ, mỗi khi sang đường người đi bộ phải chen vào phần đường dành cho các phương tiện khác, rất nguy hiểm!".


Tiến hành khảo sát trên diện rộng tại nhiều tuyến phố chính của Thủ đô, phóng viên phát hiện không ít nút giao thông được bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông bất hợp lý. Dọc tuyến đường Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh (tuyến đường một thời là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi được gắn biển "Con đường đẹp nhất Việt Nam") có chiều dài khoảng hơn 1km nhưng gần như ngã tư nào cũng có trường hợp cột đèn trồng ra lòng đường, có cột đèn đứng chơ vơ một mình hoặc tụm thành nhóm trên lòng đường như nút ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng, Láng - Nguyễn Chí Thanh, nút quay đầu Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn - Liễu Giai… Đặc điểm chung của những cột đèn tín hiệu này là chúng đều có các tấm chắn xếp xung quanh "bảo vệ", tạo thành "đảo giao thông" với kích thước, hình thù đa dạng, cái to, cái bé, cái dài, cái dẹt... không theo bất cứ một khuôn mẫu, quy chuẩn nào. Hầu hết các rào chắn đều trong tình trạng bị xô lệch, uốn éo do thực trạng giao thông hằng ngày… Do "mọc" ngay dưới lòng đường nên các "đảo giao thông" này chắn ngang vạch sơn, bít gần như hoàn toàn lối đi dành cho người đi bộ, số còn lại được "sáng tạo" bằng cách đặt tách thưa ra, vừa đủ để cho người đi bộ khéo léo lách qua mỗi khi sang đường. Trong khi đó, cách đấy không xa, tuyến đường Láng Hạ có lòng đường và lưu lượng giao thông tương tự, nhưng cột đèn tín hiệu có các tay vươn từ trên vỉa hè đã làm rất tốt chức năng hướng dẫn, phân luồng giao thông mà không hề bít lối đi dành cho người đi bộ...

Cột đèn tín hiệu xộc xệch, méo mó tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Gia Bách


Đặc thù?

Ngày 7-1-2015 phóng viên Báo Hànộimới đã đến Văn phòng Sở GTVT để đặt lịch làm việc với người có trách nhiệm. Ngày 9-1-2015, đại diện Văn phòng Sở GTVT liên hệ với phóng viên cho biết, lãnh đạo Sở đã giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Nguyên Huy - Trưởng phòng QLGTĐT làm việc, trả lời Báo Hànộimới (Văn phòng Sở cũng cung cấp cho phóng viên số điện thoại của ông Huy). Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc qua điện thoại, ông Huy bực bội cho biết không nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Sở cũng như giấy giới thiệu của Báo Hànộimới do Văn phòng Sở chuyển sang, do đó không có "trách nhiệm" trả lời câu hỏi của phóng viên.

Nhờ sự can thiệp của Văn phòng Sở GTVT, cuối cùng phóng viên cũng làm việc với ông Lương Đức Thắng - Phó Trưởng phòng QLGTĐT. Ông Thắng cho biết như sau: "Việc thiết kế, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông dưới lòng đường là do đặc thù giao thông Hà Nội và hoàn toàn không trái quy định như dư luận phản ánh (!?). Quá trình khảo sát và lắp đặt đèn tín hiệu tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố đều được lực lượng liên ngành kiểm tra. Việc đặt cột tín hiệu dưới lòng đường, dùng hệ thống dải phân cách mềm quây thành đảo giao thông nhằm ba mục tiêu: Dẫn hướng phương tiện, tạo "chiếu nghỉ" phục vụ người đi bộ qua đường và bảo vệ kết cấu công trình nổi được lắp đặt trên đường như cột đèn, cột điện, tủ điện...".

Về quy trình lắp đặt một cụm đèn tín hiệu giao thông đường bộ, ông Thắng giải thích: "Sau khi đánh giá, thu thập thông tin, nhận thấy vị trí nút giao thông đó cần phải lắp hệ thống đèn tín hiệu, liên ngành GTVT và Công an thành phố sẽ đề xuất sở lập phương án, giao cho BQL Dự án duy tu và đơn vị tư vấn thiết kế chuyên ngành, đơn vị quản lý đường cùng khảo sát, lên phương án thiết kế, lắp đặt. Trên cơ sở phương án thiết kế được đề xuất, liên ngành sẽ kiểm tra trên thực tế để triển khai thi công. Đơn vị thi công được lựa chọn theo hai hình thức, đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Sau khi thi công, đưa vào sử dụng, lực lượng liên ngành lại kiểm tra một lần nữa để điều chỉnh những vấn đề bất hợp lý...".

Theo phóng viên, ở đây cũng cần phải nói đến trách nhiệm của đơn vị thiết kế và nghiệm thu công trình trong việc tuân thủ QCVN41. Điểm 12.2, Điều 12 - QCVN41:2012/BGTVT quy định rõ: "Theo chiều ngang đường: Đèn đặt trên lề đường hoặc dải phân cách và cách mép phần xe chạy từ 0,5 - 2m". Cũng trong bộ QCVN41, không có bất cứ điểm nào cho phép được "trồng cột" giữa đường và tạo đảo giao thông bảo vệ xung quanh. Đây phải chăng là do đặc thù về giao thông Hà Nội? Chưa kể, việc quây dải phân cách mềm "bảo vệ" cột đèn tín hiệu với chiều cao 50-60cm chắn ngang lối đi của người đi bộ không thể tạo nên những "chiếu nghỉ" mà trở thành vật cản khiến người đi bộ buộc phải đi lấn vào phần đường dành cho các phương tiện giao thông khác. Mặt khác, đối với hệ thống giao thông đang trở nên quá tải tại Hà Nội, việc tối giản các hệ cột, tạo lòng đường thông thoáng cho các phương tiện lưu thông phải được đặt lên hàng đầu. Những chiếc cột đèn tín hiệu với hàng rào bao quanh sừng sững giữa lòng đường không những không thực hiện chức năng định hướng mà còn thu hẹp diện tích lòng đường, gây cản trở lưu thông của các phương tiện.

Theo ông Vũ Lăng - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT): "Để thực hiện đúng QCVN41 về lắp đặt đèn tín hiệu, hạn chế việc sử dụng nhiều cột đèn tín hiệu tại các nút giao thông, giải pháp thường được sử dụng là lắp đặt đèn tín hiệu trên các tay vươn, cổng long môn... Trường hợp cần có giải pháp thay thế, nguyên tắc là phải bảo đảm an toàn và không ảnh hưởng đến làn đường của người, phương tiện tham gia giao thông".

Năm 2014, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Công ước Viên 1968 (Áo) về Giao thông đường bộ. Là thành viên của Công ước, nước thành viên bắt buộc phải tuân thủ nguyên tắc do Công ước quy định. Trước đó, Bộ GTVT đã có Quyết định số 2365/2014/QĐ-BGTVT ban hành kế hoạch thực hiện Công ước về GTĐB và Công ước về tín hiệu đường bộ. Đây là bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình hội nhập toàn cầu của GTĐB Việt Nam. Do đó, quá trình thiết kế, xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, việc tuân thủ QCVN41:2012 phải được xem là yếu tố bắt buộc.

Do vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần vào cuộc, kiểm tra làm rõ việc thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông Thủ đô "lệch chuẩn" và có phương án xử lý hợp lý, bảo đảm tính mỹ quan và an toàn giao thông cho mọi người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy từ những cột đèn tín hiệu giao thông “lệch chuẩn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.