(HNMCT) - Trước tình hình dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiện các quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội đều chỉ có hình thức phục vụ là bán mang về, và chủ yếu sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần, thậm chí dùng túi nilon để đựng thực phẩm cho khách hàng. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng.
Đồ nhựa dùng một lần giá “siêu rẻ”
Do mức giá rẻ lại tiện lợi sử dụng, đa phần các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng đồ uống, siêu thị tiện ích nhỏ lẻ đều sử dụng sản phẩm dùng một lần như hộp xốp, túi nilon, ly cốc, ống hút để đựng thực phẩm.
Để hạn chế tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần, một số nhà hàng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như hộp cơm, túi nilon tự phân hủy, đồ đựng làm bằng giấy bìa, muỗng từ tre...
Chính phủ cũng đã phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; nhiều sáng kiến được đưa ra để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhựa sinh học, sản phẩm giấy, khuyến khích người dân mang dụng cụ đựng khi mua thực phẩm... Tuy nhiên, trên thực tế, giá thành các loại vật liệu thân thiện môi trường khá cao, trong khi đó đồ nhựa dùng một lần lại có giá “siêu rẻ”. Nếu mua với số lượng lớn, các loại đồ này chỉ có giá từ 300 - 500 đồng/chiếc.
Chị Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Những suất cơm bình dân, bún, phở với giá 30.000 - 40.000 đồng/suất nên vật liệu đóng gói phải chọn loại rẻ nhất. Nhiều quán còn đựng bún, bánh phở, rau sống, nước canh trong túi nilon, khi mở ra thấy mùi nhựa nồng nặc”. Biết là có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các quán ăn đều sử dụng loại này, người tiêu dùng cũng đành “tặc lưỡi”. Có những người cẩn thận mang cặp lồng đi mua đồ ăn, song chủ nhà hàng vẫn sử dụng túi nilon để đựng gia vị, rau sống, đồ ăn kèm.
Vừa hại sức khỏe vừa ảnh hưởng môi trường
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Mặc dù phần đông người dân nhận thấy tình trạng ô nhiễm chất thải rắn trong môi trường sống xung quanh, nhưng rất nhiều người chưa sẵn sàng sử dụng vật liệu thay thế túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa dùng một lần”.
Việc gia tăng tình trạng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong những năm qua đã khiến lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra môi trường ngày càng lớn, trong khi việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời, nên hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nilon còn rất phổ biến. Những vật liệu này được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa, và đặc biệt là có nguy cơ gây ung thư.
Túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần có đặc tính lâu phân hủy nên gây tác hại vô cùng lớn đối với sức khỏe con người và với môi trường, hệ sinh thái trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, phải mất hàng trăm năm thì túi nilon mới bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, gần 1/3 số túi nilon rác thải mỗi ngày không được thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi, phát triển.
Chưa kể, túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, chai nhựa... chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi... có thể thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sảy thai, gây dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ lụy khác cho sức khỏe con người.
Chính vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 hiện nay. Mọi người cần duy trì thói quen sử dụng các chất liệu thân thiện với môi trường khi đóng gói thực phẩm và đưa phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” lan tỏa rộng rãi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.