Ngành Nông nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 và mưa lũ gây ra trong thời gian vừa qua.
Trước tình hình này, xét trong bối cảnh giai đoạn từ nay đến cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao, đòi hỏi các địa phương trên cả nước cần khẩn trương đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để bù lại sản lượng, diện tích hoa màu, thủy sản, vật nuôi bị thiệt hại bởi thiên tai.
Bão số 3 và mưa lũ lớn kèm theo đã khiến gần 350.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả của nông dân bị ngập úng, thiệt hại; 8.100 lồng bè, 31.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hơn 4,5 triệu gia súc, gia cầm bị chết...
Sau mưa bão, nhiều cánh đồng tốt tươi, xanh mướt trước đây trở nên tiêu điều, xơ xác, người nông dân thì trắng tay. Thực trạng này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2024, đặc biệt là việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường.
Bão lũ qua đi, công tác khắc phục hậu quả đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và người dân triển khai quyết liệt, kịp thời nên phần nào đã giúp bà con nông dân vơi bớt những lo lắng, mất mát quá lớn bởi thiên tai.
Tuy vậy, với thiệt hại lớn, việc khắc phục hậu quả không thể "ngày một, ngày hai" là có thể xong. Vì thế, trong lúc bộn bề khó khăn này, toàn bộ hệ thống chính trị cũng như người dân các địa phương cần chung sức, đồng lòng, dành nguồn lực thỏa đáng để nhanh chóng giúp nông dân vực dậy sau mưa bão.
Đúng như tinh thần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 (diễn ra ngày 28-9 vừa qua) là: Phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả tốt hơn.
Trước đó, cũng về vấn đề này, trong Công điện số 100/CĐ-TTg (ngày 27-9-2024), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Một trong những giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay là các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay chính sách hỗ trợ đối với đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với việc hỗ trợ, giải pháp trọng tâm hiện nay là các địa phương cần rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là các địa phương không bị ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua để xem xét đẩy mạnh sản xuất, chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Với các địa phương bị bão lũ, cơ quan chức năng cần hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất, trong đó cần quan tâm cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi tại những vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, "mỗi người làm việc bằng hai" để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần cung ứng đầy đủ nông sản, thực phẩm cho thị trường trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.