(HNM) - (HNM) - 12 số báo Hànộimới trong 12 ngày đêm của trận Điên Biên Phủ trên không tự nó đã là niềm tự hào của một thế hệ làm báo. Căn hầm giữa tòa soạn và nhà in (vẫn còn dấu tích) là nơi ban thư ký tòa soạn vẽ maket, sửa bài trong ánh sáng yếu ớt của đèn dầu.
Cán bộ, phóng viên Báo Bec-lin Sai-tung có mặt gần hết chào mừng Đoàn. Tổng Biên tập báo bạn vừa ôm chặt Tổng Biên tập Hànộimới, vừa nói: "Dan-ke, Dan-ke sơn… (cảm ơn, cảm ơn lắm)". Người phiên dịch giải thích rõ: "Đảng, Chính phủ, nhân dân Đức cảm ơn Việt Nam chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không, cảm ơn các bạn Việt Nam đã sang CHDC Đức ngay sau chiến thắng này".
Các bài viết trên trang 1 và phóng sự ảnh trang 2 của Báo Hànộimới số ra ngày 1-1-1973.
Món quà tặng đầy ý nghĩa
Sáng hôm sau, mở đầu cuộc gặp mặt lãnh đạo hai báo, Tổng Biên tập Bec-lin Sai-tung đặt nhiều câu hỏi: Thủ đô Hà Nội bây giờ thế nào? Nghe nói đã bị phá hủy phần lớn sau 12 ngày đêm Mỹ dội bom B-52.
- Sân bay, bến tàu không còn, vậy thì các bạn đi như thế nào sang đây?
- Chúng nói đã hủy diệt Hà Nội, vậy chắc dân chết nhiều lắm?
- Trong thời gian bom đạn Mỹ dữ dội Báo Hànộimới có xuất bản được không?
Ở xa, thiếu thông tin, các bạn hiểu như vậy cũng là lẽ thường.
Đứng trước "tình thế nóng ruột", các bạn bức xúc muốn biết ngay tình hình thời sự nóng bỏng về Hà Nội. Thay cho câu trả lời, Tổng Biên tập Báo Hànộimới lặng lẽ mở cặp ra lấy 12 số báo (từ số 18 đến 29-12-1972) trao tặng Tổng Biên tập Báo Bec-lin Sai-tung rồi nói ngắn gọn: "Cuộc sống chiến đấu của quân và dân Hà Nội có đầy đủ trong 12 số báo lịch sử này, mong các bạn đọc để hiểu rõ, trong đó lẽ tất nhiên cán bộ phóng viên chúng tôi đã tác nghiệp trong 12 ngày đêm mưa bom bão đạn ấy.
Các bạn Đức truyền tay nhau 12 số báo chưa hiểu ngay được vì là báo tiếng Việt, song qua các bức ảnh máy bay B-52 cháy rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, ảnh chụp các trận địa phòng không, các nhà máy, công nhân vẫn vào ca sản xuất, trên các cánh đồng xã viên súng trên vai vừa làm việc vừa sẵn sàng chiến đấu, đồng ruộng vẫn xanh màu lúa khoai… họ cũng đã hiểu phần nào cuộc sống chiến đấu của quân dân Hà Nội.
Hôm sau trên Báo Bec-lin Sai-tung đăng đậm chuyện Hà Nội đã bắn rơi hàng chục máy bay B-52; Hà Nội chủ động đi sơ tán như thế nào; nhịp sống chiến đấu của lực lượng tự vệ Hà Nội... Có bài trên Báo Hànộimới được dịch nguyên ra tiếng Đức.
Mỗi người Hà Nội là một chiến sĩ
12 số báo trong 12 ngày đêm của trận Điên Biên Phủ trên không tự nó đã là niềm tự hào của một thế hệ làm báo. Căn hầm giữa tòa soạn và nhà in (vẫn còn dấu tích) là nơi ban thư ký tòa soạn vẽ maket, sửa bài trong ánh sáng yếu ớt của đèn dầu. Phóng viên thì viết bài, làm tin, ghi nhanh ngay tại trận địa phòng không hoặc nơi máy bay địch vừa đánh phá khét lẹt mùi đạn bom. Viết xong đạp xe mang bài về cơ quan (hồi đó làm gì có điện thoại, máy tính; điện thoại cố định cũng rất ít).
Cơ quan thành lập tổ phóng viên chiến tranh. Các ban cử phóng viên đi làm tin, ghi nhanh trận chiến đấu, có mặt bên mâm pháo, nơi nhà cửa đổ nát… cũng không thua kém tổ phóng viên chuyên trách. Ngay từ khi B-52 đánh Uy Nỗ (Đông Anh) một tốp phóng viên đã theo xe com - măng - Rumani (lúc ấy cơ quan chỉ có 1 chiếc xe này) có mặt ngay nơi tiếng bom vừa dứt. Cảnh tượng tàn phá khốc liệt, mùi lửa cháy, nhà xưởng, cây cỏ khét nồng. Tiếng còi báo động liên tục cảnh báo máy bay địch vẫn còn quanh đây, cách Hà Nội lúc 80 cây số, lúc 60 cây… chúng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đồng chí lái xe giục:
- Nhanh lên nhé, đến giờ hẹn ai không lên xe về Hà Nội thì bỏ lại đấy.
Và cũng đã có lần một phóng viên vì quá ham phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh ra chậm đã "ăn đủ", xe cơ quan đi rồi, phải lận đận tìm cách về.
Đêm B-52 đánh Bệnh viện Bạch Mai, tiếng bom vừa dứt, văn phòng UBND thành phố đã điện sang:
- Báo Hànộimới cử người đi ngay với đồng chí Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng xuống hiện trường.
Tổ chuyên trách cử người đã đành, Ban văn xã cũng cử ngay 2 phóng viên đi cùng (vì y tế thuộc lĩnh vực văn xã). Anh chị em chia nhau người làm tin, người viết bài, người chụp ảnh, cứu sống bệnh nhân bị đè trong đống đổ nát.
Tương tự như vậy, sau trận bom Mỹ rải xuống phố Khâm Thiên, phóng viên Báo Hànộimới đã có những bài viết, bức ảnh chụp rất sống động tố cáo tội ác man rợ của đế quốc Mỹ. Nó nói chỉ đánh vào chỗ bê tông cốt thép (cơ sở quân sự), nhưng sự thật thì lại không phải như vậy. Chúng cho hàng chục chiếc B-52 đánh thẳng vào các khu dân cư, đánh vào bệnh viện, trường học… giết hại cả những người bệnh nặng, không kịp đi sơ tán. Một chị vừa sinh bé gái ở Quân y viện 108, cháu vừa ra khỏi lòng mẹ thì còi báo động B-52 vang lên dồn dập, bác sĩ bế cả hai mẹ con chưa kịp cắt rốn xuống hầm trú ẩn. Phóng viên Báo Hànộimới có mặt khắp nơi bám sát từng trận đánh, đưa tin chiến thắng và xông vào lửa đạn cứu người, cứu tài sản cho dân cũng không khác gì các chiến sĩ tự vệ. Phóng viên ta mặt mày ám bụi khói, nhịn ăn, nhịn uống, lao đi không biết mệt mỏi. Cuối ngày lại tề tựu đông đủ ở căn hầm tòa soạn chuyện trò râm ran. Chờ ký duyệt xong bài mới về. Có người còn theo bài đến nhà in để đọc lại, sợ người ở nhà không hiểu lại gạch đi những chữ cho là cái "hồn" của tin, bài.
Hàng vạn tấn bom B-52 trút xuống Thủ đô trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Hà Nội không những không trở về thời kỳ đồ đá như chúng nói, mà sức sống của quân và dân Thủ đô còn mạnh hơn ngàn lần. Báo chí thế giới ca ngợi Hà Nội là anh hùng, là phẩm giá, là lương tri của nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.