(HNMO) - Ngày 16-2, nhân kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập (16/2/1995 - 16/2/2022), Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về quá trình thực hiện, đưa các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp vào đời sống.
Nổi bật là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH từng bước hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mở rộng quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng. Dẫn chứng là, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên 15,1 triệu người vào cuối năm 2021 (gấp gần 6,6 lần). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 (năm đầu tiên thực hiện chính sách), lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp hơn 240 lần so với năm 2008), bình quân mỗi năm tăng hơn 100.000 người.
Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 - năm đầu tiên thực hiện chính sách, lên 13,4 triệu người vào cuối năm 2021, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Từ năm 1995 đến hết năm 2021, toàn ngành đã giải quyết cho 135,7 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm trên 5 triệu lượt người hưởng).
Với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, những năm qua đã có hơn 8,7 triệu người hưởng; còn chính sách BHYT có hơn 2,21 tỷ lượt người được bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh. Đặc biệt, hiện nay, hằng tháng, ngành BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với số người hưởng năm 1995).
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ngành BHXH Việt Nam chú trọng cải cách thủ tục hành chính. Số lượng thủ tục hành chính giảm từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 25 thủ tục vào cuối năm 2021; 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành đạt kết quả ấn tượng. Ngành hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc…
Những kết quả đạt được của ngành BHXH thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có lương hưu khi tuổi già...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.