Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia của Việt Nam chưa đủ mạnh để thực hiện các cam kết với quốc tế, việc xây dựng Luật vẫn bị giằng xé giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế.
Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại hội thảo cam kết của Việt Nam đối với phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 8-11 tại Hà Nội.
Hội thảo cam kết của Việt Nam đối với phòng chống tác hại của rượu, bia. |
Theo ông Quang, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra 3 giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia là: Giảm khả năng tiếp cận với rượu, bia; kiểm soát chặt chẽ quảng cáo và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia để giảm tiếp cận với rượu bia.
Tuy nhiên, đối chiếu các giải pháp này vào dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia hiện nay, việc tăng thuế và tăng giá bán rượu, bia của Việt Nam vẫn chưa được xem xét ở thời điểm này.
Đối với vấn đề kiểm soát quảng cáo rượu, bia, trong khi gần 200 quốc gia đã có những quy định rất chặt chẽ về giờ quảng cáo, địa điểm, cấm quảng cáo… nhưng Việt Nam vẫn còn có những quy định khác nhau với đồ uống trên 15 độ, các loại bia dưới 5,5 độ, từ 5,5 độ đến dưới 15 độ… Kể cả việc đưa ra lấy ý kiến về quy định giờ bán cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều… Điều này cho thấy dự thảo Luật vẫn chưa thực sự nghiêm khắc so với luật của nhiều nước trên thế giới, các quy định chưa thực sự đủ mạnh để thực hiện các cam kết với quốc tế.
“Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đang phải chịu sự giằng xé quá lớn giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, chi phí bỏ ra cho việc phòng, chống tác hại của rượu bia mất 65.000 tỷ đồng. Giữa lợi ích về kinh tế, lợi ích sức khỏe, lợi ích xã hội đã có phép so sánh. Việc xây dựng Luật cần đứng trên quan điểm phát triển bền vững, tức là dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe phải đóng vai trò nền tảng”, ông Quang nhận định.
Trước mắt, sự ra đời của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tuy chưa có những quy định thực sự nghiêm khắc nhưng đây được coi như là quy định mang tính tuyên ngôn, thể hiện quan điểm của Việt Nam đối với việc phòng chống tác hại của rượu, bia, vì có phòng chống tác hại của rượu bia mới giảm được tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, tâm thần… đây như một cách để truyền thông mạnh mẽ đến người dân về hành vi uống rượu, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh rượu, bia… nếu vi phạm trước mắt là răn đe, thuyết phục, giáo dục, sau đó sẽ bị xử lý theo quy định.
Mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, bình quân đầu người (trên 15 tuổi ở cả nam và nữ) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít/năm, người Việt tiêu thụ 305 triệu lít rượu, 4,1 tỷ lít bia/năm. Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại là 44,2% ở nam giới và 1,2% ở nữ giới. Mức độ sử dụng rượu, bia rất cao đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Để giảm thiểu tình trạng này, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030, giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030. Tuy nhiên, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia thì Việt Nam khó đạt được 2 mục tiêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.