(HNMCT) - Sinh thời, nhà thơ Thanh Tùng tâm sự: Hễ cứ nghe điệp khúc trong bài hát ngân vang “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi...” là tôi thấy mình như đang bay lên, kỷ niệm xưa ùa về với bao niềm vui, nỗi buồn xen lẫn, xao xuyến lắm! Đó cũng chính là cảm xúc của đông đảo bạn trẻ yêu thích ca khúc trữ tình “Thời hoa đỏ” (nhạc Nguyễn Đình Bảng, thơ Thanh Tùng).
Năm 1989, Nguyễn Đình Bảng được cử sang Nga dự một trại viết. Cái lạnh của mùa đông nước Nga khiến ông bị ho ra máu, phải nằm bệnh viện mấy tháng trời. Buồn, cô đơn, ông bèn giở tập thơ “99 bài thơ tình” mang theo ra đọc. Đọc đến bài thơ “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng, ông không kìm nén được xúc cảm bởi những câu thơ như cứa vào lòng người: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ...” (từ “máu ứa” sau được ông đổi thành “nuối tiếc”). Đêm hôm đó, ông đã hoàn thành ca khúc “Thời hoa đỏ”: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ bước lặng trên con đường vắng năm nao/ chỉ còn tiếng ve sôi ồn ào/ mà chẳng cho lòng người yên chút nào”. Sáng tác xong, ông cảm thấy nhẹ lòng, nỗi cô đơn tan biến, sức khỏe dường như tốt hơn.
Nhà thơ Thanh Tùng (1935 - 2017), quê Nam Định, trưởng thành tại Hải Phòng. Năm 1972, cuộc hôn nhân đổ vỡ, ông ở vậy nuôi con và vẫn dành tình cảm cho người vợ yêu thương: “Trong câu thơ của em anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương/ Anh đâu buồn, mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say”. Bài thơ man mác buồn, nỗi buồn trong sáng của một tình yêu đẹp, không bi lụy, không buồn thảm.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng sinh 1942, quê Hà Nam, hiện sống tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội, từng công tác tại Đoàn chèo Trung ương, sau đó làm việc tại Nhà xuất bản Âm nhạc cho đến khi nghỉ hưu. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng đã được tặng nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt, ông đã vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007 với cụm tác phẩm: “Thời hoa đỏ”, “Khỏa trần Trường Sơn”, “Ngôi sao biển”, “Du thuyền trên sông Lam”, Balade giao hưởng “Thị Kính - Thị Mầu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.