(HNM) - Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đến hết tháng 6-2013, việc giao đất dịch vụ cho người dân thuộc diện thu hồi đất phải hoàn thành.
Thạch Thất chậm giao đất cho người dân thuộc diện thu hồi đất vì thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Ảnh: Hồng Dung |
Thạch Thất là huyện ngoại thành bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp khá lớn, số hộ đủ điều kiện được hưởng chính sách cấp đất dịch vụ nhiều, lên tới hàng nghìn hộ dân. Thời gian qua, dù chỉ đạo khá tích cực, song vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai nên Thạch Thất khó có thể giao hết đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn định (trước ngày 30-6-2013). Khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Hiện, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện đang triển khai xây dựng 6 khu đất dịch vụ, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, giải quyết đất dịch vụ cho 1.240 hộ dân và 2 khu đất dịch vụ vừa lập thuyết minh xin chủ trương đầu tư, nhưng tất cả các dự án này đều chưa được bố trí vốn. Tuy huyện Thạch Thất đã cân đối được quỹ đất dịch vụ song vẫn còn nhiều khó khăn khi triển khai. Đơn cử, các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ tại các xã Tân Xã, Bình Yên, Kim Quan, Dị Nậu, Phú Kim, diện tích thu hồi là đất lúa, nên thủ tục chuyển mục đích sử dụng khá phức tạp, không thể thực hiện nhanh được.
Qua tìm hiểu cho thấy, quá trình giải quyết đất dịch vụ cho người dân, nhiều địa phương đang lúng túng do thiếu vốn đầu tư, vướng mắc trong xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách đất dịch vụ và cơ chế giao đất dịch vụ... Ông Đinh Ngọc Thức, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mê Linh cho biết: "Diện tích đất nông nghiệp thu hồi của huyện Mê Linh khoảng 2.480ha và số hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn được hưởng chính sách đất dịch vụ là 9.935 hộ, với diện tích gần 38ha. Hiện tại, Mê Linh đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật một số khu đất dịch vụ nhưng chưa thực hiện được việc giao đất cho người dân. Nguyên nhân là thay đổi cơ chế, chính sách khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội".
Trước đây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương này quy định, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển khu, cụm công nghiệp, đô thị... được giao đất dịch vụ. Về thời gian, các hộ gia đình bị thu hồi đất thời điểm từ ngày 22-7-2004 đến 1-8-2008 thì được giao đất dịch vụ. Thế nhưng, một bộ phận không nhỏ hộ gia đình, cá nhân kiến nghị, bị thu hồi đất trước ngày 22-7-2004 lùi đến ngày 15-10-1993 (ngày được giao đất theo Nghị định 64/NĐ-CP) cũng được giao đất dịch vụ, nhất là các hộ bị thu hồi đất từ năm 2002 - 2004 phản ứng, khiếu kiện rất gay gắt. Ở một số huyện ngoại thành khác, những vướng mắc xoay quanh công tác xét duyệt đối tượng giao đất dịch vụ cũng khá phức tạp. Có nơi, gia đình thời điểm được giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ-CP diện tích lớn, sau đó chia cho các con canh tác ổn định, chưa làm thủ tục chia tách theo luật định, nhưng các hộ đòi hỏi được giao đất dịch vụ theo hộ đã chia tách. Tại một số phường của quận Hà Đông, có hộ gia đình bị thu hồi hết đất nông nghiệp để thực hiện các dự án, theo nguyên tắc, hạn mức giao thì các hộ này chỉ được giao 50m2 đất dịch vụ. Trong khi đó, có hộ gia đình chỉ bị thu hồi khoảng 1/3 hoặc một nửa diện tích cũng được giao một lô 50m2 đất dịch vụ, dẫn đến tị nạnh, khiếu kiện phức tạp.
Theo báo cáo của các địa phương, kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ dân đạt quá thấp. Toàn thành phố hiện mới giao được 48,44ha, cho 9.080 hộ, đạt khoảng 11% và chỉ có huyện Đan Phượng là cơ bản giao xong đất dịch vụ cho các hộ dân, quận Hà Đông đã giao được 20%, những nơi khác tiến độ thực hiện rất chậm, thậm chí một số nơi chưa giao được cho hộ nào như: Mê Linh, Từ Liêm, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm... Từ đó có thể nhận định, mục tiêu đến tháng 6-2013, thành phố khó hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân.
Từ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc để sớm giao hết đất dịch vụ cho nhân dân. Trước mắt, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ; tập trung xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách đất dịch vụ; đồng thời, đẩy mạnh việc giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.