(HNM) - Pháp luật quy định, khi giải tỏa, thu hồi mặt bằng thực hiện các dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo đảm cuộc sống những người bị di dời. Tuy nhiên, nhiều dự án sau khi GPMB đã đẩy hàng ngàn hộ dân vào cảnh sống vất vưởng tại nơi ở mới với tên gọi là các khu tạm cư.
Từ trung tâm quận 8 qua phà, chạy một quãng đường lổn nhổn ổ gà, ổ voi, qua một cánh đồng, đi tiếp một đoạn đường cấp phối lổn nhổn sỏi đá bụi bặm, chúng tôi mới tới khu tạm cư của hơn một trăm hộ dân thuộc diện thu hồi đất cho dự án Trung tâm Thương mại Bình Điền giai đoạn 2. Đây được xem là khu tạm cư "tự phát" bởi chính quyền địa phương chỉ cho người dân thuê đất công rồi tự xây nhà tạm để ở trong lúc chờ TĐC. Hàng chục căn nhà vách và mái đều bằng tôn lụp xụp, người dân phải đi mua từng thùng nước sạch về dùng, phải chịu giá điện "cắt cổ", không có việc làm, trong khi tiền thuê đất mỗi tháng cũng đã tới hàng triệu bạc, khiến nhiều hộ méo mặt, nói gì các khoản chi phí khác. "Ở đây được ngày nào hay ngày đó, phập phồng lo chẳng biết bị đuổi khi nào, bởi hợp đồng thuê đất chỉ được ký có thời hạn hai tháng, hết hạn lại ký tiếp. Không biết Nhà nước có tăng tiền thuê lên hay không? Cứ vật vờ thế này, hằng ngày phải ke từng đồng cắc để tồn tại, không biết mai này lấy đâu tiền lo cho con cháu học hành tử tế". Chị Trịnh Tuyết Hồng - chủ một hộ bị thu hồi đất tại phường 7, quận 8 ngậm ngùi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Ba (78 tuổi), có 9 thành viên phải chen chúc trong căn nhà tạm cư 20m2 (phường An Phú, quận 2).
Tại khu tạm cư An Phú (quận 2), mỗi căn phòng đều chỉ vỏn vẹn 20m2, mái và vách bằng tôn. Hơn 300 hộ gia đình về tạm cư tại đây chủ yếu là những hộ bị giải tỏa dọc tuyến đường Lương Định Của, thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Gia đình ông Nguyễn Văn Ba (78 tuổi) 3, 4 thế hệ bao gồm 9 người sống chung trong một căn "chòi" 20m2 như thế. Ban ngày nóng không chịu nổi, đêm ngủ không được vì quá chật chội. Hàng xóm ông Ba là gia đình chị Nguyễn Thị Thủy có 8 thành viên cũng phải sống chen chúc tương tự. Từ khi về tạm cư tại đây, hầu như đêm nào chị Thủy cũng dựa lưng lên ghế mà ngủ. Một số hộ buộc phải thuê thêm nhà trọ để ở do quá đông. Một số khác không có tiền nên đành chấp nhận che bạt ngủ ngoài sân. Gia đình chị Nguyễn Thị Tám là một trường hợp như vậy.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giải quyết TĐC, căn cứ vào báo cáo đăng ký nhu cầu TĐC của các quận/huyện, giai đoạn 2012 - 2015 chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Cụ thể, quỹ căn hộ và nền đất TĐC của giai đoạn trên khoảng 4.300 suất trong khi nhu cầu TĐC lên tới hơn 13.000 hộ. |
Từ cầu Sài Gòn rẽ vào đường Trần Não, băng qua đường Lương Định Của, tiếp tục men theo con đường lau sậy mọc um tùm, rẽ vào con đường xi măng ngoằn ngoèo rộng chưa đầy 2m, chúng tôi mới đến được khu tạm cư ở phường An Lợi Đông với 113 chỗ ở dành cho những người dân bị giải tỏa thu hồi đất bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngồi trong căn nhà tối om, chật hẹp mang số A401, bà Huỳnh Ngọc Giàu buồn rầu kể, những lúc trời mưa kéo dài, không buôn bán gì được, nhà không còn đồng nào, bà phải nhổ rau dại về ăn với nước tương, nước mắm. "Đời tạm cư cực cùng thế đấy!". Bà Giàu chua chát. Ngôi nhà tạm cư và hoàn cảnh bà Giàu là điển hình cho cả trăm hộ dân nơi đây. Họ phải sống heo hút trong những dãy nhà xây tạm chật chội với mái thấp bằng tôn, xung quanh chẳng có quán tạp hóa hay ngôi chợ nào. Điện nước sinh hoạt lúc có lúc không, muốn đi mua mớ rau, chai nước mắm cũng phải đạp xe hàng cây số mới tìm được chỗ bán. Gặp trời mưa lớn hay triều cường, hơn một trăm hộ tạm cư tại đây dường như bị cô lập hoàn toàn. 10 năm rồi, họ phải sống trong cảnh như vậy.
"Nghèo hóa" sau khi di dời
Theo quy định pháp luật, khi giải tỏa chủ đầu tư phải bảo đảm những người bị di dời có cuộc sống tốt hơn hoặc tối thiểu phải ngang bằng so với trước đây. Tuy nhiên thực tế thì khác. Anh Nguyễn Châu Hùng cho biết, trước khi giải tỏa bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gia đình anh có một cửa tiệm cho thuê đồ cưới tại địa chỉ 67 Lương Định Của (quận 2). Từ khi chuyển về sống tại khu tạm cư chờ TĐC, công việc kinh doanh bị phá sản hoàn toàn, gia đình hiện không còn khoản thu nhập nào khác. Chị Huỳnh Thị Kim Oanh, ngụ tại tổ 32, ấp 2, phường An Lợi Đông (quận 2) cũng cho biết, trước đây cả gia đình sống bằng nghề đưa đò, từ khi bị giải tỏa di dời, chị bị thất nghiệp, trong khi phải nuôi một đứa con bị ung thư máu. Bà Nguyễn Thị N. sống tại chung cư TĐC Ngô Gia Tự (quận 10) cho biết, từ khi chuyển lên sống tại chung cư, cái nghề cửa hàng tạp hóa trước đây đã nuôi sống cả gia đình không còn nữa. "Nếu muốn bán lại phải thuê mặt bằng, nhưng gia đình tôi không có khả năng vì mặt bằng tại quận 10 rất đắt. Lên sống chung cư chẳng khác nào ở tù vì suốt ngày chỉ đối mặt với bốn bức tường. Bà con hàng xóm cũng không còn nữa. Thật sự tôi cảm thấy rất ngột ngạt. Nếu có người mua, tôi sẵn sàng bán lại căn hộ này".
Anh Trương Văn Ken, căn hộ B6 - 13, chung cư TĐC Tân Mỹ (quận 7) cũng than thở, gia đình anh không thể chen chúc sống tại căn hộ chỉ vỏn vẹn 36m2. Do đó, anh phải cho thuê để chuyển về gần nơi sống cũ thuận tiện cho việc làm ăn. Thấy chúng tôi quan sát khá kỹ căn hộ, anh Ken đã ngỏ lời bán cho chúng tôi với giá chưa tới 600 triệu đồng - mức giá mà anh cho là khá rẻ. Chị Đem, sống tại căn hộ A11 - 07 chung cư Tân Mỹ cũng muốn bán căn hộ sau khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua. Chung cư Tân Mỹ là dự án TĐC cho khoảng 600 hộ dân trong chương trình chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (quận 8). Tính đến thời điểm cuối tháng 9-2012 đã bố trí được khoảng 349/600 căn hộ. Tuy nhiên, hiện tại có tới hơn 100 hộ đã bán căn hộ hoặc cho người khác thuê lại.
Rời chung cư Tân Mỹ, chúng tôi tìm đến chung cư Bình Khánh (quận 2), đây là một trong những chung cư nằm trong chương trình 12.500 căn hộ phục vụ nhu cầu TĐC của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến năm 2013 dự án này mới hoàn thành và đưa vào bố trí sử dụng nhưng tình trạng rao bán suất TĐC ở đây đã ồ ạt. Tương tự, có đến trên 70% số hộ nhận căn hộ TĐC ở chung cư Hà Kiều (Gò Vấp) và chung cư Huỳnh Văn Chính (Tân Phú), hai chung cư dành cho các hộ bị giải tỏa trong chương trình chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã phải bán căn hộ chung cư của mình. Thực tế cho thấy, những người bán suất TĐC thường tìm đến những khu dân cư lụp xụp để mua đất, mua nhà bất hợp pháp để rồi rơi vào vòng luẩn quẩn di dời giải tỏa, TĐC một lần nữa. Những trường hợp này đã từng xảy ra tại phường Phú Mỹ (quận 7).
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.