(HNMO) - Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), doanh nghiệp trong khối ASEAN đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang đến gần.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Báo cáo “Con đường đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015: Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp”, vừa được công bố hôm nay tại cuộc họp triêu tập các chuyên gia để trao đổi về những thách thức của thị trường lao động được tạo ra bởi một nền kinh tế ASEAN với mức độ hội nhập gia tăng sau khi AEC ra đời vào năm 2015.
Theo đó, các doanh nghiệp rõ ràng chưa nhận thức đầy đủ về những thách thức của AEC cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội của nó. Doanh nghiệp khá lạc quan rằng sự dịch chuyển ngày càng tăng của lao động, rào cản thương mại giảm và dòng vốn đầu tư tự do hơn sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh – đặc biệt khi kết hợp đầu tư trong giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thực tế là, doanh nghiệp chưa chuẩn bị để cạnh tranh trong thị trường lao động đang ngày càng hội nhập của khu vực. Chỉ 46% doanh nghiệp được hỏi cho thấy họ hiểu một cách đầy đủ về những tác động của AEC đối với công việc kinh doanh của họ.
Kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc đang là mối lo ngại lớn trong toàn khu vực. Gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát đã cho biết người lao tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học vẫn còn thấp. Các kỹ năng cần nhất là kỹ năng quản lý và lãnh đạo, tiếp đó là kỹ năng chuyên môn và tay nghề, và dịch vụ khách hàng.
Sau năm 2015, Thỏa thuận Thừa nhận Lẫn nhau (MRAs) sẽ là phương tiện chính để công nhận những kỹ năng tương đương trong khối ASEAN. Tuy nhiên, báo cáo đã chỉ ra việc thiếu nhận thức về những thỏa thuận này có thể tạo ra rào cản, và các doanh nghiệp cần tham gia nhiều hơn vào quá trình này.
54% doanh nghiệp được hỏi tin rằng nếu không tính đến trình độ kỹ năng, sự gia tăng dịch chuyển của lao động có thể mang lại một ảnh hưởng tích cực hoặc rất tích cực đối với doanh nghiệp của họ (mặc dù mức độ ảnh hưởng có thể khác nhau phụ thuộc vào quy mô và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp), trong khi chỉ 14% dự báo về một ảnh hưởng tiêu cực hoặc rất tiêu cực. Nhưng doanh nghiệp trong những quốc gia phái cử lao động di cư đang lo ngại về dòng chảy của lao động có kỹ năng. Mối bận tâm này có lẽ lớn nhất tại Philippines – có thể là do trình độ tiếng Anh tốt của người lao động.
Cung và cầu lao động chưa tương xứng và ảnh hưởng không rõ ràng của thị trường lao động phi chính thức cũng là những vấn đề đang được quan tâm.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng số dân di cư nội khối ASEAN đang tăng lên, từ khoảng 1,5 triệu người trong năm 1990 đến khoảng 6,5 triệu người hiện nay, con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng.
Những khuyến nghị bao gồm cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực, củng cố các chính sách thị trường lao động hợp lý và ổn định, cùng với việc thúc đẩy người sử dụng lao động và các tổ chức doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội và thách thức của AEC.
Báo cáo cũng cho rằng những chính sách lao động và xã hội (đặc biệt là những chính sách liên quan tới kỹ năng và giáo dục), dịch chuyển của lao động trong nội khối, và cải thiện quy trình làm luật cần được quan tâm nhiều hơn để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững.
Báo cáo căn cứ vào cuộc khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia và đánh giá của các tổ chức thành viên kinh doanh tại 4 nước. Quá trình nghiên cứu được hỗ trợ thông qua hàng loạt các cuộc họp chuyên môn, thảo luận nhóm tập trung và phỏng vấn các bên liên quan với các chuyên gia đến từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, OECD-BIAC, Ngân hàng Thế giới và Ban Thư ký ASEAN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.