(HNM) - Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh vừa công bố 169 cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng. Số liệu trên khiến dư luận lo ngại vì gần đây có không ít công trình là kho, xưởng bị
Theo cơ quan chức năng, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn thành phố có 169 cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn 145 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao nằm trong khu dân, 22 khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Đơn cử, Công ty TNHH May mặc Đồng Xanh (102B/31 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp) chưa thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC nhưng đã hoạt động, nguy cơ xảy ra cháy rất lớn. Tương tự, kho Tân Phong thuộc Công ty TNHH Nông lâm Hải Sản (72 Tô Ký, Tân Chánh Hiệp, quận 12) chưa nghiệm thu PCCC... Bên cạnh đó, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy còn phát hiện hàng loạt cơ sở có kho, xưởng nằm đan cài trong khu dân cư, nếu xảy ra cháy, nổ sẽ gây cháy lan, cháy lớn, có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản...
Theo cơ quan chức năng, phần lớn các kho, xưởng của doanh nghiệp đều làm bằng kết cấu sườn sắt, vách, mái tôn có giới hạn chịu lửa thấp, dễ bị sụp đổ khi xảy ra cháy. Các kho, xưởng thường được xây dựng khép kín để tránh mất mát, hao hụt hàng hóa, kiến trúc này vô tình đã cách ly đám cháy bên trong kho với môi trường bên ngoài, nên khó phát hiện cháy kịp thời. Không những vậy, kiến trúc này còn gây cản trở khi tiếp cận và cứu chữa đám cháy.
Để không “mất bò mới lo làm chuồng”, đồng thời tránh hậu quả xấu có thể xảy ra, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh cho biết, các cơ sở phải thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Tuyệt đối không tàng trữ, sử dụng các chất có nguy cơ cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất trong nhà kho, nhà xưởng; không sử dụng vật liệu dễ cháy làm tường, vách ngăn, trần. Ngoài ra, sắp xếp, bảo quản hàng hóa theo từng loại, có cùng tính chất, đặc điểm, phương pháp chữa cháy giống nhau, đồng thời bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng dễ cháy; hàng hóa phải để trên giá gọn gàng, vững chắc, bảo đảm khoảng cách an toàn tối thiểu là 0,5m đối với các thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, đường dây dẫn điện; tuyệt đối không để hàng hóa tràn lan, lấn chiếm lối đi, giữ khoảng cách an toàn về PCCC và điều kiện thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ.
Cũng theo Giám đốc cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, các cơ sở cần rà soát và niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi nguy hiểm về cháy, nổ. Đặc biệt, khi lắp đặt hệ thống điện phải đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không bố trí vật tư hàng hóa dễ cháy gần dây dẫn, bóng đèn, ổ cắm, cầu dao.
Đối với trường hợp chất chứa là hóa chất, kho hàng cần dùng thiết bị chứa chuyên dụng theo tiêu chuẩn quy định, tuyệt đối không chứa 2 loại hóa chất khác nhau trong cùng một kho để tránh phản ứng hóa học có thể gây cháy, nổ khi dụng cụ chứa bị rò rỉ. Phải dùng đường dây dẫn điện đặt kín theo tiêu chuẩn để tránh tác động lý, hóa, động vật gặm nhấm phá hoại làm mất tác dụng của lớp bọc cách điện. Khi cháy, nổ xảy ra, phải chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm "4 tại chỗ", đồng thời nhanh chóng báo cháy theo số điện thoại 114.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.