Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi hiện vật, một tấm lòng

Minh Ngọc| 30/01/2011 06:58

(HNM) - Ngày 29-1, Bảo tàng Hà Nội (BTHN) đã khai mạc phần trưng bày tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng và giới thiệu trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chủ nhân của hàng nghìn hiện vật, tài liệu được trưng bày tại đây dù tuổi tác khác nhau, làm việc ở những vị trí, ngành nghề khác nhau nhưng đều gặp nhau ở tình yêu lịch sử, văn hóa, ở khát vọng được cống hiến cho Thủ đô.

Bức tranh bằng đồng đỏ “Đoan môn Hoàng thành Thăng Long” của làng nghề Đồng Xâm (Thái Bình).

Lấp lánh tình yêu Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BTHN cho biết: Qua một năm vận động hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu tài liệu, hiện vật, đến nay, BTHN đã nhận được gần 3.000 tài liệu, hiện vật của hàng nghìn tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước gửi tặng. Khối tài liệu, hiện vật này rất đa dạng, bao gồm cả các mẫu vật tự nhiên, hiện vật thể khối, tài liệu chữ viết, phim ảnh, băng đĩa, bản ghi âm, ghi hình… liên quan tới lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác. Do không gian trưng bày có hạn nên BTHN đã lựa chọn hơn 1.000 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, phản ánh rõ nét lịch sử, văn hóa của Thủ đô từ thời kỳ tiền Thăng Long đến thời đại Hồ Chí Minh để giới thiệu tới công chúng, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị rất lớn về kinh tế. Chiếc bình gốm sứ cao 73cm, đường kính 63cm mang tên "Quốc bình Thăng Long" do các nghệ nhân Công ty Cường Phát, tỉnh Bình Dương trao tặng. "Quốc bình Thăng Long" mang đậm nét văn hóa Việt Nam với hình ảnh trống đồng, chim lạc, hình ảnh cuộc sống sinh hoạt của người tiền sử trên bề mặt bình; hai bên bình là hình ảnh rồng bay, tượng trưng cho "Thăng Long". Hay như bức tranh chạm đồng về cổng Đoan Môn trong khu Thành cổ Hà Nội do hàng chục nghệ nhân làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình) miệt mài thực hiện trong suốt 3 tháng. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng nhận được nhiều hiện vật rất có giá trị, trong đó có chiếc đồng hồ, chiếc cặp da, bộ ấm chén tiếp khách của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; bộ sách gồm 5 cuốn về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Binh đoàn 18, tỉnh Phú Thọ; những viên gạch hình hoa sen thời Lý của ông Dương Phú Hiến, những kỷ vật thiêng liêng của Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm...

Mỗi hiện vật, một tấm lòng

Nói về giá trị cổ vật, ông Dương Phú Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu cổ vật UNESCO nhấn mạnh: "Mỗi cổ vật là một phần của lịch sử, của văn hóa nhưng không phải ai cũng nhận biết được giá trị của nó. Vì thế, việc các tổ chức, cá nhân hiến tặng cổ vật, di vật quý cho Bảo tàng Hà Nội trưng bày phục vụ khách tham quan còn mang ý nghĩa sâu xa mong muốn được giới thiệu, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của ông cha tới thế hệ trẻ, giúp họ biết kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Ông Hiến cho biết thêm: Tôi tặng cho BTHN hàng chục viên gạch lát nền ở Điện Kính thiên, dưới mỗi viên gạch đều có dòng chữ "Lý tam đệ nhị phủ quốc quân".

Bà Đoàn Ngọc Trâm, mẹ Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm không giấu nổi xúc động: "Những kỷ vật nhỏ bé còn sót lại của Đặng Thùy Trâm với gia đình tôi là rất quý, rất thiêng liêng bởi nó là hiện thân cho Đặng Thùy Trâm. Nhưng nếu tôi giữ riêng cho gia đình mình thì có rất ít người biết đến, vì thế, gia đình tôi quyết định tặng cho BTHN với hy vọng những kỷ vật ấy sẽ được gìn giữ tốt hơn và góp phần giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt của các thế hệ thanh niên đi trước". Chung suy nghĩ đó, ông Vũ Văn Tiệp, nhà B19, Khu tập thể Kim Liên (Hà Nội) đã tặng BTHN những kỷ vật song hành cùng ông trong kháng chiến.

Mong tiếp tục nhận được nhiều tư liệu quý

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, cuộc vận động hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu tài liệu, hiện vật cho BTHN do UBND TP Hà Nội phát động mang ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn. Người hiến tặng có cơ hội được thể hiện tình cảm, tấm lòng với Thủ đô, công chúng được nhìn lại truyền thống lịch sử, văn hóa quý giá của ông cha, còn BTHN vừa có thêm nguồn tài liệu, hiện vật quý giá để trưng bày, giới thiệu, vừa có được đội ngũ cộng tác viên lâu dài, phong phú.

Mặc dù vậy, lượng tài liệu, hiện vật này vẫn chưa đủ để trưng bày tại BTHN như phương án thiết kế. Giám đốc Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bảo tàng hiện có hơn 60.000 hiện vật nhưng chủ yếu là hiện vật thời kỳ tiền Thăng Long. Trong khi đó, đối tượng chính của BTHN là các hiện vật về kinh đô Thăng Long, về mỹ thuật Hà Nội cổ đại và đương đại thì lại rất thiếu. Nguyên nhân là do tư liệu, hiện vật gắn với các sự kiện diễn ra trên đất Thủ đô cũng là đối tượng sưu tầm của nhiều bảo tàng khác. Chẳng hạn như, hiện vật về Hoàng thành Thăng Long cũng là đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; vũ khí chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự; mâm, bát, đĩa cổ phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô là đối tượng trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học... Các bảo tàng này đều đi vào hoạt động trước BTHN nhiều năm, vì thế, tình trạng khan hiếm và thiếu hiện vật trưng bày là khó tránh khỏi.

Để có thể trưng bày các tài liệu, hiện vật tại BTHN như thiết kế đã được phê duyệt, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Một mặt, BTHN sẽ phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành để trao đổi hiện vật, tổ chức trưng bày luân phiên hoặc làm phiên bản các hiện vật gốc; mặt khác, BTHN sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục hiến tặng.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với tấm lòng yêu Hà Nội của nhân dân cả nước, với sự nỗ lực của những người làm công tác bảo tàng, hy vọng BTHN sớm hoàn thiện việc trưng bày để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ về lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi hiện vật, một tấm lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.