Với 4 bề sông nước vây quanh cùng vô số kênh rạch chạy ngang dọc, quận 7 của thành phố Hồ Chí Minh là địa phương điển hình về một đô thị sông nước.
Đây vừa là thế mạnh phát triển kinh tế, vừa phát triển du lịch của địa phương nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Quận 7 gồm phần đất cũ phía Bắc của huyện Nhà Bè, với thị trấn và 5 xã lân cận.
Nhìn trên bản đồ, quận 7 như một hòn đảo, khi phía Bắc là sông Sài Gòn, phía Đông là sông Lòng Tàu, phía Nam là rạch Ông và rạch Đĩa, còn phía Tây là kênh Tẻ. Ngoài ra, còn vô số kênh rạch lớn nhỏ khác chạy len lỏi dọc ngang qua các khu dân cư tại quận 9.
Nói cách khác, với một chiếc thuyền nhỏ, có thể đi đến mọi nơi trong quận 7.
Ở phía Bắc, ven sông Sài Gòn, quận 7 hiện diện là khu cảng lớn với cảng Bến Nghé, cảng Last Tân Thuận Đông, cảng Bông Sen và một số cảng chuyên dùng. Cùng với đó, quận còn là nơi có khu chế xuất đầu tiên của cả nước - Khu chế xuất Tân Thuận - cũng nằm ven sông Sài Gòn. Tại khu vực này, quận 7 hiện diện như một khu công nghiệp, cảng biển nhộn nhịp của thành phố Hồ Chí Minh.
Ở phía Đông, sông Lòng Tàu là tuyến đường thủy lớn, chuyên đón nhận các tàu biển từ luồng hàng hải quốc tế vào ra cụm cảng Cát Lái nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh. Có người nói vui rằng, “mọi con tàu quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh đều đi qua quận 7”.
Ở phía Nam, rạch Ông phân chia quận 7 với huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Nếu như phía bờ Nhà Bè còn mênh mông đất trống thì phía bờ quận 7 là lớp lớp những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, biệt thự to đẹp, bến tàu hiện đại trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng nổi tiếng cả nước.
Có thể nói, một trong những biểu tượng mới của thành phố Hồ Chí Minh nằm tại quận 7, với đầy đủ vẻ đẹp của một đô thị sông nước điển hình.
Ở phía Tây, kênh Tẻ thẳng tắp được dùng làm ranh giới phân chia quận 7 và quận 4. Nếu rạch là thiên tạo thì kênh do người đào. Cụ thể hơn, kênh Tẻ dài 4,4km, nối từ điểm giao kênh Tàu Hũ, kênh Đôi và rạch Bến Nghé đến sông Sài Gòn. Con kênh này được đào năm 1905 và hoàn thành năm 1906. Từ đó đến nay, kênh Tẻ là tuyến vận tải thủy quan trọng cho khu vực phía Nam thành phố Hồ Chí Minh và cả thành phố nói chung, bởi nó tạo ra tuyến đường thủy ngắn nhất từ sông Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Cũng vì là một “hòn đảo”, quận 7 có rất nhiều cây cầu lớn và nổi tiếng. Có thể kể đến các cầu Tân Thuận 1, Tân Thuận 2, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Kênh Tẻ, cầu Rạch Ông… nối quận với các địa phương khác của thành phố Hồ Chí Minh.
Còn vô số những con rạch lớn nhỏ khác chạy ngang dọc khắp quận 7, do nơi đây vốn là vùng đất trũng phía Nam thành phố Hồ Chí Minh. Những con rạch này tạo nên nhiều vẻ đẹp tự nhiên ở những nơi chúng đi qua, góp phần tô điểm thêm cảnh quan của đô thị sông nước độc đáo tại đây.
Mới đây, để phát huy thế mạnh “đô thị sông nước”, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền quận 7 đã phối hợp xây dựng nhiều tour tuyến du lịch đường sông từ quận 7 đi nhiều điểm, tuyến của thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ.
Cũng cần phải nhắc đến việc quận 7 là một trong số ít địa phương của thành phố Hồ Chí Minh có cảng tàu thủy khang trang, hiện đại.
Những hình ảnh về cuộc sống đời thường nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, những khu đô thị lung linh sáng đèn soi bóng xuống các kênh rạch ở quận 7 cũng chính là hình ảnh đặc trưng cho những đô thị sông nước như thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Nam Bộ nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.