Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạt phù sa trên sông nước Cửu Long

Nguyễn Thanh Tâm| 03/09/2022 17:45

(HNMCT) - Nếu phải nói về chất thơ từ “Chín nhánh da vàng” của Khét (Trần Đức Tín), tôi nghĩ đó là màu sắc, hương vị, nhịp điệu của hạt phù sa sông nước Cửu Long. Hạt phù sa ấy thấm vào manh áo lưu dân, lặn vào hạt thóc, vào máu thịt. Tiếng thơ của đứa con da vàng, mỗi lời cất lên như hơi thở mặn mòi trên cánh đồng lưu lạc: “sao mà cay mắt/ sao mà mặn lòng/ tôi với Cà Mau cùng nhịp thở long đong”.

Thơ của Trần Đức Tín mang sắc nâu trầm. Đó là màu của phù sa thấm lên bãi bờ châu thổ, màu của mảnh gốm tha phương giữ trong lòng hơi lửa đắng, màu của đất ngậm vào sắc da vàng, màu của hoàng hôn thẫm lại hoang vu, màu của đáy sông cạn nước, của vệt bùn trên đá, của dấu chân mở cõi cổ xưa lầm lụi. Màu nâu là màu của sự chịu đựng, ẩn vào trong, gợi lên điều giản dị, thuần phác: “trăng quê mình mắc cạn ở sau lưng/ có bụi lục bình trôi vào áo mẹ tôi rồi bật khóc/ chiếc áo màu nâu lặng câm như tràng hạt/ bay ra đồng rồi củi lửa lưng trời” ("Trăng quê"). Thực ra, không cứ gọi màu nâu thì sự vật, hình tượng khoác lên màu ấy. Chữ nghĩa có phổ màu riêng của nó mà ta chỉ có thể cảm nhận như là cách nhìn ra ai đó bằng những điều không bao giờ hiện diện.

Chất thơ cũng tựa như hương thơm của hoa, là thứ vô hình. Chẳng biết có phải không, nhưng đọc thơ Trần Đức Tín thấy phảng phất hương vị mặn mòi trên từng câu chữ. Biển mặn, máu mặn, mồ hôi mặn, nước mắt mặn thì đã đành. Rộng hơn thế, cái mặn của đời ngấm lên từng phận người, phận làng, từng nếp nhà, từng nhánh sông, từng ngọn cỏ, từng giấc mơ, ấp ôm cả sự sống và cái chết. Chẳng phải thế sao, khi đọc “Chín nhánh da vàng”, ta như đang áp lên mặt mình một nếp áo Việt cổ xưa thấm đầy ký ức nắng mưa, nhọc nhằn, chắt chiu, chịu đựng: “chỉ còn một điệu lý cho chúng ta/ trên đất này đầy nghĩa trang và đền miếu/ đầu nhang đỏ như màu mắt mẹ/ người đàn bà sinh ra sự sống/ cái chết đến từ đâu” ("Mùa trên đất").

Chất thơ đọng vào nhịp và giọng. Khá phổ biến trong thơ Trần Đức Tín là “nhịp long đong”. Nhịp này hình thành bởi biểu đồ cảm xúc, tâm trạng và tư duy của tác giả. Mã gen của một lưu dân đã thức dậy trên “Chín nhánh da vàng”: “những đôi mắt thú hoang lầm lụi bụi bờ/ như đôi mắt tôi chưa bao giờ dám mở/ biết/ dưới hàng mi này là lửa cháy/ trong tộc người này/ là đền miếu nghi ngút khói nhang/ chín nhánh em bao giờ thì cạn/ sao tôi cạn mình trước thảng thốt quê hương” ("Nhánh nào dưới chân"). Thật khó để nói cho rành rẽ về nhịp điệu, bởi nó không đơn giản là hình thức tách từ, chia câu, ngắt đoạn. Nhịp điệu mang chất thơ là hơi thở khi con chữ cựa mình trong trí tưởng, bồi hồi đi qua vòm họng mang theo sự rung động của trái tim trước phận người.

Nếu nhịp gợi cho ta hơi thở của chữ nghĩa, hình tượng thì giọng điệu ánh lên thái độ và cung bậc của cảm xúc. “Chín nhánh da vàng” phảng phất giọng sông hồ vừa thủ thỉ lại vừa mang mang, thêm chút gì kiêu bạc. Ví dầu mà cầm bằng, vậy đó, rồi tan đi trong gió nước, trong những long đong phiêu dạt: “kẻ bạt mạng theo dòng Cửu Long vu vu tiếng sáo/ tẻ nhạt gì mà rêu phong phủ đầy ngày ông bà mình đi khai hoang/ lập ấp lập làng đặt tên sông là cái răng cái nước/ đêm giăng lưới ngẫm thừa thãi buồn nên bắt đại nhịp song lang” ("Phương nam ngạo khúc"). Giọng điệu ấy làm nên khí hậu phương Nam như là mạch rễ văn hóa của thơ Trần Đức Tín.

Nâu trầm, mặn mòi, lầm lụi mà minh mang kiêu bạc, những giấc mơ vẫn nảy mầm trên sông nước lục châu, bồi hồi từng nhịp long đong. Ai ghé qua một lần, xin nhận lại hạt phù sa còn thấp thoáng bóng cha ông trên “Chín nhánh da vàng”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hạt phù sa trên sông nước Cửu Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.