(HNM) - Sau thất bại của Đội tuyển U.23 Việt Nam tại SEA Games 26, đã có rất nhiều chuyên gia phân tích nguyên nhân, tựu trung lại có 3 lý do chính:
LÝ do đầu tiên và được nhắc đến nhiều nhất là HLV Falko Goetz liên tiếp mắc sai lầm trong quá trình chuẩn bị cũng như sử dụng nhân sự. Ông Goetz đã gần như xóa sạch nền tảng do cựu HLV Đội tuyển Việt Nam Calisto dày công gây dựng. Thay vì lối đá nhỏ, đậm chất kỹ thuật thì vị HLV này dùng lối chơi tấn công biên, tạt cánh đánh đầu vốn chỉ nên áp dụng với đội hình có ưu thế về sức mạnh và thể hình và cũng chỉ nên áp dụng tùy từng trận, tùy đối thủ. HLV F.Goetz cũng mắc sai lầm trong việc sử dụng nhân sự khi liên tục xoay đội hình trong giải, khiến lối chơi đã nhạt nhòa càng trở nên thiếu tính kết dính. Mỗi trận một đội hình, các tuyển thủ trẻ trở nên lóng ngóng trên sân.
HLV người Đức có vẻ không hiểu cầu thủ của mình. Điều đó thể hiện khi dùng Trọng Hoàng ở vai trò tiền vệ trung tâm, trong khi sở trường của cầu thủ này là đá tiền vệ biên hoặc chơi sau lưng trung phong. Việc đưa cầu thủ có kỹ năng dứt điểm kém là Văn Thắng lên đá tiền đạo suốt thời gian dài cũng khiến cho hiệu suất của hàng công bị ảnh hưởng. Ông Goetz không hiểu cầu thủ của mình, không hiểu bóng đá Đông Nam Á nói chung, nhưng lại ít chịu nghe các trợ lý góp ý. Không khí trong đội U.23 Việt Nam cũng luôn căng thẳng, có lẽ bởi ông Goetz không tạo được mối quan hệ gần gũi với các trợ lý, không nhận được sự ủng hộ của cầu thủ. Đến nỗi trong báo cáo về SEA Games 26 của một trợ lý HLV gửi VFF có đoạn: "Đề nghị thay HLV Falko Goetz vì tương lai bóng đá Việt Nam, bởi nếu dùng tiếp sẽ càng thất bại".
Khi nhìn những gì các cầu thủ thể hiện ở SEA Games 26, đối chiếu với phong độ cao của Indonesia và Malaysia, các chuyên gia và người hâm mộ đều thừa nhận chất lượng cầu thủ Việt Nam kém xa đội bạn. Trong thành phần U.23 Việt Nam có cả cầu thủ đá ở hạng Nhì, tiền đạo duy nhất đang đá ở giải hạng Nhất và kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao của phần lớn cầu thủ đều rất hạn chế. Trong khi đó, cả Malaysia và Indonesia đều sở hữu rất nhiều cầu thủ đang khoác áo ĐTQG, họ tự tin và thể hiện trình độ chuyên môn ổn định ở mức cao.
Ở nguyên nhân thứ ba, ai cũng thấy rõ bộ máy VFF còn thiếu những chuyên gia thực sự am tường bóng đá. Ngay như Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn, dù là “tiến sĩ bóng đá” nhưng chưa từng lăn lộn thực sự với sân cỏ và không có uy tín cao về chuyên môn với dân trong nghề. Trong suốt hành trình thi đấu của U.23 Việt Nam, ông Trần Quốc Tuấn thường xuyên báo về cho Thường trực VFF rằng tình hình của đội bóng rất tốt, không kịp nhận ra những vấn đề của đội để sớm có sự điều chỉnh.
Suy rộng ra thì trong nguyên nhân thứ nhất và thứ hai đều có phần lỗi của VFF. Chính VFF đã lựa chọn HLV Falko Goetz mà không tìm hiểu kỹ phong cách huấn luyện có phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không. Thêm nữa, dù biết ông Goetz chưa hiểu về bóng đá Đông Nam Á, rất ít thời gian làm quen với đội tuyển nhưng VFF vẫn đề ra chỉ tiêu rất cao là giành HCV, điều đó khiến tâm lý đè nặng lên đội tuyển trong suốt hành trình dự giải.
Về chất lượng cầu thủ kém, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói là do công tác đào tạo của các CLB, nhưng chính VFF phải chịu trách nhiệm. Bởi lẽ VFF là nơi quản lý cả nền bóng đá, khi nhận thấy những dấu hiệu yếu kém trong hệ thống đào tạo thì cần có những điều chỉnh từ sớm (như giảm ngoại binh, tăng cường số cầu thủ trẻ trong đội hình xuất phát mỗi đội bóng…) để tránh hệ lụy đáng tiếc. Chính vì tầm nhìn thiển cận và không tập hợp được những nhà chuyên môn giỏi nên đến giờ, khi đã "mất bò" thì VFF mới lo "làm chuồng" - chẳng hạn như tỏ ý "xem lại" việc sử dụng ngoại binh.
Với cách tư duy như thế, việc VFF hứng chịu sự chỉ trích của dư luận sau thất bại ở SEA Games 26 cũng là dễ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.