(HNMO) - Chiều 2-3, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, tại đây vừa cấp cứu cho bé trai H.A.K (8 tuổi, ở Hà Nội) bị tắc ruột do bã thức ăn. Các bác sĩ đã tiến hành mở ruột lấy bã thức ăn và khâu lại cho bệnh nhi.
Theo đó, bệnh nhi H.A.K đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với biểu hiện đau bụng 4 ngày kèm theo nôn mửa.
Mẹ bệnh nhi cho biết, K xuất hiện đau bụng cách đây 4 ngày, đã được đưa đi khám tại một bệnh viện tuyến trung ương. Sau đó, bệnh nhi chuyển đến điều trị nội trú 3 ngày tại một bệnh viện tư tại Hà Nội với chẩn đoán theo dõi tắc ruột không rõ nguyên nhân.
Khi được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, các bác sĩ thăm khám cho bé và chẩn đoán, bệnh nhi bị tắc ruột do bã thức ăn. Hình ảnh trên phim chụp cho thấy, bã thức ăn di chuyển xuống dưới nhưng bị tắc ở đoạn ruột non cách góc hồi manh tràng 20cm, kích thước 4x2cm cứng chắc.
Bác sĩ Vũ Hồng Tuân, Khoa Phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) đã mổ cấp cứu cho bệnh nhi bằng phương pháp mổ mở nhỏ 5cm, phát hiện khối bã thức ăn rất cứng chắc ở đoạn cuối hồi tràng. Các bác sĩ đã lấy bã thức ăn và khâu lại cho bệnh nhân.
Sau mổ 4 ngày, K đã tiêu hóa tốt, được ăn nhẹ và chăm sóc tại khoa điều trị.
Trước đó, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận các trường hợp bị tắc ruột do món canh măng khô hay do ăn quả hồng ngâm.
Theo các bác sĩ, những người dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là người già răng rụng (làm giảm sức nhai), người đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc mắc bệnh viêm tụy mạn (khả năng tiêu hóa thức ăn kém), người ăn hoa quả nhiều chất xơ (măng, mít, cam) hoặc nhiều chất tanin (quả hồng, hồng xiêm), trẻ ăn quá nhiều hoa quả như sim, ổi… Những thức ăn này dính lại thành cục trong lòng ruột, không tiêu được, gây tắc ruột. Hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn phải được phẫu thuật để lấy khối bã.
Tắc ruột do bã thức ăn rất khó chẩn đoán đúng nguyên nhân trước mổ, nếu chậm điều trị có thể gây nhiều biến chứng như mất nước và điện giải do nôn, hạ huyết áp, trụy mạch sớm.
Riêng với trẻ nhỏ, bác sĩ Vũ Hồng Tuân lưu ý, có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột non như do nuốt dị vật không thể tiêu hóa được, hoặc do bệnh nhi có bệnh nền về tụy gây khó tiêu hóa thức ăn, búi giun gây tắc ruột.
“Tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em là tình trạng hiếm gặp. Trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao và phương tiện kỹ thuật hiện đại để kịp thời được thăm khám và xử lý”, bác sĩ Vũ Hồng Tuân khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.