(HNM) - Báo Hànộimới Hằng ngày số ra ngày 1-4-2014 đã đăng bài trao đổi với GS.TS Trần Ngọc Đường - Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp, Thường trực Ban biên tập Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử quy định tại Hiến pháp năm 2013.
Những thay đổi mà GS.TS Trần Ngọc Đường đề cập là công cụ pháp lý tác động mạnh mẽ đến luật sư - người có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của các bị cáo trong mỗi phiên tòa.
Sửa đổi, ban hành mới 28 đạo luật
Theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sắp tới có đến 28 đạo luật cần được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Trong 28 văn bản đó, có 12 văn bản thuộc lĩnh vực quyền dân sự chính trị và 16 văn bản thuộc lĩnh vực quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. Trong bảo đảm quyền công dân một điểm được dư luận xã hội rất quan tâm là khắc phục tình trạng án oan sai. Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã cho thấy, việc xét xử oan sai là có thật, thậm chí hiển hiện không ít trong đời sống tư pháp hình sự nước nhà. Mới nhất ngày 4-4, TAND TP Hà Nội đã tổ chức buổi "công khai cải chính, xin lỗi theo Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11" đối với ông Phạm Đức Bình (SN 1956, trú tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Vậy tới đây, tình trạng trên sẽ được khắc phục thế nào khi ban hành các văn bản luật?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đây là một trong những điểm rất quan trọng vừa được sửa đổi, bổ sung và quy định rất sâu sắc, chặt chẽ trong Hiến pháp năm 2013. Lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định tòa án xét xử phải bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, có nghĩa là phải có người bào chữa, phải có luật sư. Bên cạnh đó, quyền được mời luật sư bào chữa đã được mở rộng. Trước đây, theo quy định của Hiến pháp, cũng như của Bộ luật Tố tụng hình sự, người dân có quyền mời luật sư khi bị khởi tố bị can. Còn đến nay, Hiến pháp đã bổ sung: Người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều có quyền tự mình bào chữa hoặc mời luật sư bào chữa, mục đích nhằm tránh những oan sai đáng tiếc.
Điều quan trọng khác, Hiến pháp lần này đã làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Như vậy, từ ngày 1-1-2014, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải coi những người bị buộc tội là không có tội cho đến khi việc buộc tội phải được chứng minh và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Đã đến lúc luật sư nhập cuộc mạnh mẽ
Cùng chung quan điểm, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận xét: Nhiều vụ án hình sự kéo dài từ năm này qua năm khác với những phán quyết mang tính trái ngược nhau đã vô tình bào mòn niềm tin của người dân vào công lý. Cơ quan chức năng thường hay nhấn mạnh là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội. Nhưng công bằng mà nói thì không phải lúc nào cơ quan tố tụng cũng đúng. Tỷ lệ án hình sự bị hủy, phải sửa hằng năm vẫn còn cao, án oan vẫn xảy ra. Để tránh tình trạng này kéo dài, phải áp dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội và coi đây là xương sống của các hoạt động tố tụng hình sự. "Ở nhiều nước, mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục do luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ" - Luật sư Trần Công Ly Tao nói.
Xa hơn, sự thay đổi trong Hiến pháp cũng đặt ra nhiệm vụ hết sức to lớn trong công tác xây dựng luật - đó là cần luật hóa chi tiết, chính xác và cụ thể để không gây ra nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng. Hiện ngoài việc sửa đổi các luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra hình sự với yêu cầu đạt đến sự đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, các bộ luật hình sự và tố tụng hình sự, dân sự và tố tụng dân sự cũng đang được các cơ quan chức năng xúc tiến sửa đổi theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa khẳng định, đây chính là một trong những mảng công tác lớn mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các đoàn luật sư địa phương, các tổ chức hành nghề luật sư và mỗi luật sư đều có thể và cần phải tham gia. Thể theo Hiến pháp năm 2013, ngoài nguyên tắc suy đoán vô tội, "thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…; nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm". Như vậy, những bản án ban hành mà có sự can thiệp có thể bị coi là vi hiến và vô hiệu. Điểm mới này rất quan trọng trong việc thiết kế vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của những người tiến hành và tham gia tố tụng trong xây dựng pháp luật về tổ chức tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra cũng như việc sửa đổi, bổ sung các bộ luật tố tụng hiện hành. Điều cấm này cũng là công cụ pháp lý mạnh mẽ của nhân dân và của luật sư - là những người tư vấn, bào chữa cho nhân dân, góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân.
Hơn lúc nào hết, giới luật sư phải dựa vào Hiến pháp để góp phần xây dựng các luật có liên quan; không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng vị thế của chính mình từ việc chủ động thực hiện nguyên tắc tranh tụng với những lập luận sắc bén, rõ ràng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.