Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng mạng lưới từ sản xuất đến tiêu thụ

Đào Huyền| 05/08/2011 06:47

(HNM) - Hiện mạng lưới tiêu thụ RAT tại Hà Nội còn mỏng, chưa hình thành chuỗi hàng hóa để NTD dễ dàng tiếp cận.


Hà Nội hiện có trên 3.046ha RAT, phân bố ở 97 vùng thuộc 72 xã, phường. Do nhu cầu tiêu dùng rau sạch tăng, diện tích RAT của thành phố đang ngày một tăng, tuy nhiên cũng mới đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu của NTD. Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đang đẩy mạnh công tác quản lý sản xuất (SX) bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Hằng tuần, Chi cục cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân SX. Điều quan trọng trong quy trình SX RAT và cũng là kinh nghiệm thành công của Hà Nội là quản lý chặt chẽ khâu SX, mỗi vùng RAT đều được Chi cục lập hồ sơ quản lý. Vùng trồng RAT Đặng Xá (huyện Gia Lâm) là nơi đầu tiên ở Hà Nội được Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố chọn xây dựng mô hình điểm "Giảm thiểu rủi ro thuốc BVTV trong sản xuất RAT". Tham gia mô hình, người trồng RAT được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV hợp lý, ghi nhật ký SX... Công tác vệ sinh đồng ruộng, nhất là thu gom bao bì sau sử dụng, được nông dân nghiêm túc thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Nhung, xã viên HTX Đặng Xá cho biết, nông dân tham gia SX RAT đều nhận thức rõ quá trình SX là rất quan trọng. Vì thế mỗi người đều tự ý thức rằng, đã là RAT thì phải tuyệt đối an toàn để NTD tin tưởng. SX RAT không chỉ ngày một ngày hai, mà là quá trình lâu dài, là kế sinh nhai của bà con.

Diện tích đất nông nghiệp của thành phố đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa đặt ngành nông nghiệp đứng trước thách thức mới khi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của NTD về số lượng và chất lượng sản phẩm. SX RAT là hướng đi đúng cho nông dân. Tuy nhiên, SX RAT chưa thực sự phát triển bởi quá trình tiêu thụ còn mang tính tự phát, chưa có hệ thống... Đây là nguyên nhân khiến phần lớn lượng RAT gặp khó khăn ở "đầu ra". Tại vùng trồng RAT Yên Mỹ (huyện Thanh Trì), nhiều hộ dân than thở: Mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội gần 20 tấn rau các loại, nhưng chỉ 30% lượng RAT được vào siêu thị theo hình thức ký gửi, hết hàng thì siêu thị trả tiền, còn nếu rau hỏng, rau héo, thì trả lại cho hộ kinh doanh, nên doanh thu rất bấp bênh. 70% số rau còn lại được nông dân bán tự do, trôi nổi trên thị trường.

Khắc phục tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, thành phố đang xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nhằm gỡ "đầu ra" cho bà con; đồng thời xin ý kiến UBND TP Hà Nội, thống nhất với bộ, ngành xây dựng một chợ đầu mối, một nửa bán RAT rõ nguồn gốc, còn lại bán rau bình thường. Hiện RAT vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của NTD nên phải nhập một lượng rau lớn từ các tỉnh lân cận. Để phát triển được mô hình trên rất cần sự hợp tác của các tỉnh trong khâu quản lý. Bà Hoa kiến nghị, các tỉnh cần quản lý chặt lượng rau xuất ra, muốn vào thị trường Hà Nội, RAT phải có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường khâu quản lý từ nơi sản xuất, vận chuyển đến nơi tiêu thụ (có kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau).

Đại diện tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh này có trên 30 ngàn héc ta rau hàng hóa cần thị trường tiêu thụ. Điểm thành công của RAT ở Hải Dương là nông dân tự nguyện góp đất hình thành vùng SX rộng, thuận tiện cho việc kiểm soát, bảo vệ, chăm sóc, tưới tiêu, hình thành mạng lưới dịch vụ xung quanh. Về vấn đề tiêu thụ RAT, ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Lào Cai cho biết, thế mạnh của Lào Cai là rau trái vụ. SX RAT ở Lào Cai gặp khó khăn vì chi phí cao hơn bình thường và người dân chưa phân biệt RAT và rau thường, vì vậy rất cần sự hợp tác và giúp đỡ Hà Nội trong việc SX cũng như tiêu thụ. Đại diện tỉnh Bắc Ninh liền kề với Hà Nội cho rằng, nếu phối hợp trong SX, quản lý trong tiêu thụ thì cả hai địa phương sẽ nhanh chóng nâng cao diện tích RAT.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt:
Khách hàng tỉnh bạn tham gia hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm RAT tại Hà Nội sẽ được hỗ trợ theo quy định. Thời gian đầu sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng các cửa hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ một phần kinh phí cho đơn vị trực tiếp bán hàng. Đồng thời, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh đào tạo, chuyển giao KHKT khi hai bên ký kết xây dựng vùng RAT cung cấp cho thị trường Hà Nội, đồng thời sẽ ký kết từ khâu SX đến tiêu thụ với các tỉnh có chủng loại rau, củ mà Hà Nội chưa SX được. Với mạng lưới siêu thị lớn, Hà Nội sẽ có điều kiện phối hợp với các tỉnh đưa rau vào siêu thị. Điều các tỉnh phải đặc biệt quan tâm là rau đưa về phải có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm là RAT.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng mạng lưới từ sản xuất đến tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.