Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng không gian văn hóa đón Đại lễ

Minh Ngọc| 10/09/2010 07:12

(HNM) - Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều di tích nổi tiếng như Hoàng thành Thăng Long, đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, Thăng Long tứ trấn... đã được chỉnh trang, tu bổ.


Sau khi trùng tu, các di tích đặc biệt này không chỉ góp phần lưu giữ truyền thống lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo cho mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến mà còn góp phần mở rộng không gian văn hóa đón Đại lễ.

"Thương hiệu" 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho di tích


Các hiện vật khảo cổ sẽ được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long trong dịp Đại lễ. Ảnh: Viết Thành


Hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô hàm chứa một phần lịch sử trong nó. Mỗi di tích một vẻ, như những mảnh ghép bổ sung cho bài học về lịch sử Thủ đô và dân tộc. Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng nhấn mạnh: Nói đến đình, đền, chùa ở Hà Nội, trước hết phải kể đến đền Đồng Cổ, có từ thời Lý, trước cả chùa Một Cột, nằm bên bờ sông Tô ở làng Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đền bị hủy hoại trong thời chiến tranh, nay được thành phố Hà Nội phục chế lại dựa trên nền kiến trúc cũ với kinh phí hàng chục tỷ đồng và gắn biển công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào ngày 10-5-2010. Suốt thời Lý - Trần, đền Đồng Cổ là nơi tổ chức hội thề trung hiếu. Ngày nay, dân làng Đông vẫn theo nếp cổ, tổ chức hội thề vào ngày 4 tháng Tư âm lịch và trên phương diện bảo tồn di sản, việc tu bổ đền Đồng Cổ là hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc đích thực.

Với 12 tỷ đồng, công trình chùa Kim Liên được gắn biển chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào ngày 5-8-2010. Sau trùng tu đã lưu giữ được nét kiến trúc cổ xưa của ngôi chùa đẹp bậc nhất Hà Nội. Đó là tam quan rất đặc biệt với toàn bộ kết cấu có mái che được đỡ bằng các thân cột, bộ mái lợp ngói vẩy cá nhiều tầng, ở giữa đột ngột vươn cao như bông sen nở trên mặt hồ.

Chùa Trấn Quốc hoàn thành việc tu bổ hạng mục nhà tả, hữu vu, cổng tam quan… từ cuối tháng 8 và long trọng tổ chức lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào ngày 7-9. Cách đó không xa là đền Quán Thánh cũng đã được trùng tu với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. "Công trình tu bổ di tích đền Quán Thánh là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm ghi nhớ công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân", đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo tại lễ gắn biển 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho công trình này vào ngày 2-8. Những di tích còn lại thuộc Thăng Long tứ trấn là đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm), đền Voi Phục (quận Ba Đình) và đền Kim Liên (quận Đống Đa) cũng đã được trùng tu, tôn tạo, giờ uy linh, bề thế hơn…

Ngoài hệ thống đình, chùa thì Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang Đoan Môn, Nhà tác chiến… để mở cửa đón khách tham quan vào cuối tháng 9 này.

Bảo tồn đi liền với phát huy giá trị di sản

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Thủ đô sau khi mở rộng có hơn 5.000 di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và gắn với các di tích là hàng nghìn lễ hội tưởng nhớ, tôn vinh những người có công với dân, với nước. Vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo các di tích trước ngưỡng cửa nghìn năm vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vừa góp phần hoàn thiện không gian văn hóa đặc sắc của người Hà Nội.

Không gian đó sẽ rực rỡ cờ hội, cờ Tổ quốc và nhất loạt gióng lên tiếng chuông báo hiệu thời khắc kỷ niệm Đại lễ. Bên cạnh đó, dịp Đại lễ, BQL di tích đền Quán Thánh sẽ in hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cũng như quá trình tu bổ, tôn tạo ngôi đền tới du khách. Chùa Trấn Quốc làm lễ cầu quốc thái, dân an…

Riêng với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, lần đầu tiên di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ mở cửa đón khách tham quan. Hơn 900 hiện vật tái hiện Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử sẽ được trưng bày tại Nhà tác chiến, hai bên nền điện Kính Thiên. Theo TS khảo cổ học Bùi Minh Trí, Viện KHXH Việt Nam, Phó Chủ nhiệm dự án Nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long, bộ sách lớn 800 trang "Hoàng thành Thăng Long - Dấu ấn ngàn năm" với bản tiếng Việt và tiếng Anh cũng sẽ được giới thiệu trong dịp này.

Tuy nhiên, cùng với niềm vui các di tích đã cơ bản hoàn thành việc trùng tu đón Đại lễ thì những người làm công tác quản lý di sản nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung vẫn băn khoăn về việc phát huy giá trị lâu dài của di tích. Việc quảng bá giá trị di sản văn hóa cũng còn có vấn đề chưa được như ý. Bà Vương Thị Thủy, Trưởng phòng Quản lý di tích (Ban Quản lý di tích Hà Nội) nhận định: "Nhiều di tích ở Hà Nội chưa thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu". Đền Voi Phục mỗi tháng có khoảng 1.000-1.500 lượt khách nhưng chủ yếu là đến vào ngày rằm, mùng một âm lịch chứ khách vãng cảnh đền vào ngày thường khá ít. Giải thích cho sự "im hơi lặng tiếng" đó, ông Trần Văn Phao, một trong ba vị thủ từ đền Voi Phục nói: "Theo lệ, hằng năm địa phương cắt cử người ra trông coi đền, còn việc quảng bá, giới thiệu lịch sử ngôi đền cho du khách một cách bài bản thì chúng tôi chưa nghĩ đến".

Để phát huy giá trị di sản văn hóa trên đất "Rồng bay", PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Cùng với việc tu bổ, tôn tạo di tích, việc cấp thiết mà các ngành chức năng thành phố Hà Nội cần làm là nhanh chóng di dời các hộ dân ra khỏi di tích; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích với du khách trong và ngoài nước thông qua phát triển du lịch văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng không gian văn hóa đón Đại lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.