(HNMO)- Trước thực trạng tỷ lệ lao động nông thôn (LĐNT) thất nghiệp ngày một tăng nhanh, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT từ nay đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020, cả nước sẽ đào tạo nghề cho 12 triệu LĐNT, trong đó tỷ lệ LĐNT sau học nghề có việc làm phải đảm bảo 80%.
Cả nước còn 200 huyện chưa có trung tâm dạy nghề
Bình quân mỗi năm, cả nước mất khoảng 73.000 ha đất dành cho công nghiệp và đô thị, trong đó, chiếm đến 80% là đất nông nghiệp. Kéo theo đó, làm ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người. Theo nhận định, số LĐNT sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp chiếm phần lớn không có khả năng tự chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mà vẫn tiếp tục làm nông nghiệp, hoặc thất nghiệp. Để giải quyết việc làm cho số LĐNT mất đất canh tác, nhiều năm qua, các địa phương bằng nhiều hình thức như hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn, ưu tiên cho LĐNT tham gia vào các khu, điểm công nghiệp... Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nghiêm Ngọc Quý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, hầu hết các chương trình dạy nghề cho LĐNT, hỗ trợ đào tạo nghề.... trước đây hiệu quả không cao, do quá trình triển khai thiếu sự tập trung, lẻ tẻ. Hơn nữa, không ít trung tâm, cơ sở đào tạo nghề không có giáo viên chuyên ngành. Theo ông Quý, hiện cả nước còn 200 huyện chưa có trung tâm đào tạo nghề.
Trước thực trạng này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho LĐNT từ nay đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo cho 12 triệu LĐNT, trong đó xác định, tỷ lệ LĐNT sau học nghề có việc làm phải đảm bảo 80%. Ông Quý nhận định: “Đề án lần này có quy mô và tác động lớn đến hầu hết lao động trên địa bàn nông thôn. Hơn nữa, các chính sách cho địa phương, Bộ, ngành... đều rất mở”. Cũng theo ông Quý, kinh phí để thực hiện đề án này rất lớn, lên đến 25.980 tỷ đồng. Đề án đưa ra, từ nay đến năm 2015 đào tạo cho 6 triệu LĐNT với kinh phí hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó, 4.700 LĐNT được học nghề (1.600 người học nghề nông nghiệp, 3.100 người học nghề phi nông nghiệp). Còn lại, giai đoạn 2015-2020 sẽ đào tạo 6 triệu LĐNT với kinh phí trên 12.700 tỷ đồng. Ông Quý cho biết thêm: “Ngoài việc hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ khóa học (tối đa 3 triệu đồng/LĐ/khóa học), Đề án còn có những chính sách hỗ trợ khác để khuyến khích nông dân tham gia”.
Theo Đề án, trong thời gian theo học, mỗi học viên sẽ được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng. Ngoài người học, giáo viên, người tham gia dạy nghề cho LĐNT cũng sẽ được trả tiền công giảng dạy với mức tối thiểu 25.000 đồng/giờ. Đặc biệt, Đề án huy động tối đa các đối tượng tham gia đào tạo nghề cho LĐNT như cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, nông dân sản xuất giỏi.
Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 6.000 LĐNT
Riêng đối với thành phố Hà Nội- một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, đồng nghĩa với việc tỷ lệ LĐNT bị mất đất canh tác, không có tay nghề, không có việc làm gia tăng nhanh chóng qua từng năm. Vào năm 2008, TP đã thành lập quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm dành cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với số vốn ban đầu 50 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Mục đích để giúp người dân có nguồn thu nhập lâu dài, thay vì dùng tiền để mua sắm như khi được chi trả trực tiếp tiền đền bù thu hồi đất. Tuy nhiên, hiệu quả từ quỹ không cao. Cũng như nhiều địa phương khác, phần lớn nông dân đều không mặn mà với việc học nghề, trong đó, một phần là do các nghề dạy còn quá ít, đơn điệu, sơ sài, lại chỉ là hỗ trợ đào tạo ngắn hạn. Vì thế, khi ra nghề, số LĐNT có việc làm không nhiều...
Để khắc phục tình trạng này, UBND TP đã thành lập Ban chỉ đạo của TP thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, để không còn xảy ra tình trạng đào tạo nghề không trúng, không đúng như vừa qua, Sở LĐTB&XH sẽ tiến hành điều tra, khảo sát nắm tình hình, thu thập số liệu về dân số, LĐNT, chất lượng lao động và đặc biệt chú trọng vào nhu cầu học nghề trên toàn địabàn. Mặt khác, sẽ đưa ra dự báo về nhu cầu lao động, LĐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 6.000 LĐNT, trong đó xác định 70% lao động sau đào tạo nghề có việc làm. Cùng với đó, sẽ xây dựng 2 mô hình điểm của TP về dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đặc biệt, sẽ thành lập mới 3 trung tâm dạy nghề tại các huyện hiện chưa có cơ sở đào tạo nghề gồm: Mỹ Đức, Quốc Oai và Phúc Thọ. Tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 50 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.