Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở lối làm giàu cho người Dao Ba Vì

Minh An| 09/09/2018 06:40

(HNM) - Gọi là “mở lối làm giàu” bằng du lịch cho người Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) cũng chưa hẳn đúng bởi có không ít gia đình trong xã đã giàu lên từ nghề làm thuốc Nam.

Sống bằng nghề thuốc

Tới các thôn ở xã Ba Vì đều dễ dàng thấy rõ những căn nhà có cửa hàng thuốc Nam. Nhà to, nhà bé đều có người đang lúi húi làm thuốc, từ phơi lá đến nấu cao... Hôm chúng tôi về đây vào thời điểm cuối tháng 8-2018, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đang thực hiện ký sự về một nhân vật đã lâu không trở về Ba Vì. Đến khi ông về xã để tìm lại những người xưa, bối cảnh cũng là vườn thuốc Nam. Ở đó có bà chủ nhà - lương y Triệu Thị Hòa, người từng giúp đỡ ông rất nhiều khi ông làm việc ở đây. Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, chẳng biết đến yêu cầu của đạo diễn nữa...

Lương y Triệu Thị Lan tại vườn thuốc Nam của gia đình. Ảnh: Nguyễn Đình


Người trong xã không nhớ nghề làm thuốc Nam có từ bao giờ. Chỉ biết đây là nghề gia truyền và hầu hết chỉ truyền nghề cho phụ nữ trong gia đình. Bà Triệu Thị Lan, một trong những lương y có tiếng trong vùng nói rằng, có lẽ con gái có đức tính cẩn thận, tỉ mẩn hơn nên mới được truyền dạy. Năm nay bà Lan 66 tuổi nhưng có tới 50 năm gắn với nghề làm thuốc, 16 tuổi đã được bà nội truyền nghề, bắt đầu từ việc phân biệt loại lá nào dùng để chữa bệnh gì, rồi khi phối hợp chúng với nhau, liều lượng ra sao để có vị thuốc chuẩn…

Ở nhà bà Lan, ông Triệu Phú Đức - chồng bà - cũng chỉ sắm vai phụ trong nghề làm thuốc của gia đình. Việc của ông là đi lấy thuốc cho khách, thu tiền… Ông hài lòng với công việc hiện tại vì chính nghề thuốc Nam đang nuôi sống cả nhà. Sân nhà ông có cửa hàng to với các loại thuốc chữa bệnh, từ bệnh về răng lợi, xương khớp đến gan, thận…

So với nhiều hộ trong xã, gia đình bà Triệu Thị Lan thuộc diện “làm ăn được”. Thương hiệu “Thuốc người Dao” giúp gia đình không phải lo bán từng lọ thuốc, miếng cao. Một số nơi đã đặt hàng, gia đình bà chỉ việc làm thuốc theo yêu cầu, khâu tiêu thụ đã có người khác lo. Chưa kể, một tháng đôi lần, một chủ “trang trại đồng quê” ở xã Vân Hòa lại đưa khách về tham quan mô hình làm thuốc Nam ở nhà bà. Người chỉ ngó nghiêng cũng có, nhưng đa số đều mua thuốc. Như thế, ít ra cũng thấy “chút mầm mống” của việc làm thuốc Nam kết hợp làm du lịch trong những lần khách đến tham quan thế này.

Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên nói rằng, có nhiều hộ ăn nên làm ra nhờ nghề thuốc Nam. Có hộ đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, có nhà có tới 8 người phụ làm thuốc. Một số căn nhà tầng được thiết kế theo phong cách khá hiện đại, có nhà sở hữu xe bán tải, tất cả cũng nhờ nghề thuốc mà nên...

Làm du lịch cách nào?

Khi Đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội đến xã Ba Vì và đưa ra khái niệm du lịch cộng đồng, trong đó chú trọng mô hình “homestay” thì nhiều người trong xã, thậm chí cả lãnh đạo xã thừa nhận là lần đầu được nghe chuyện này. Khách du lịch tham quan qua quýt, mua thuốc rồi lên xe về ngay. Cũng có khách lọ mọ đến đây thăm khám, nhưng mua thuốc xong rồi cũng về ngay trong ngày… Vậy phải làm du lịch thế nào đây?

Nhưng những người “có nghề” nhìn vấn đề khác hẳn. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải xuýt xoa vì tiềm năng du lịch tại đây. Từ khung cảnh, khí hậu đến “đặc sản” thuốc Nam và nhiều thứ khác nữa. Như mật ong ở đây nức tiếng chất lượng dù ít người biết đến, có lẽ do người dân chưa biết cách tiếp thị mặt hàng này đến nơi đến chốn. Như khi đến thăm nhà bà Triệu Thị Chinh để trải nghiệm nghề thêu tay trang phục người Dao, chúng tôi phát hiện gia đình có nghề nuôi ong. Mật ong để trong bình to ở góc nhà, đến khi khách hỏi thì gia đình mới bảo rằng “có bán chứ!”.

Nói về việc này, Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên kể: “Vừa rồi huyện tổ chức hội chợ. Người trong xã cũng tham gia nhưng lại quên bày bán mật ong. Tôi phải cho người về xã lấy mấy trăm lít trong các hộ dân mang ra, loáng cái đã hết”.

Bà Ngô Kiều Oanh, chủ “trang trại đồng quê” ở xã Vân Hòa (Ba Vì) nhìn nhận tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở xã Ba Vì là rất lớn: “Khi đến xã vào hơn 20 năm trước, tôi choáng ngợp vì thấy nơi đây được thiên nhiên ưu đãi. Không khí trong lành, cây thuốc Nam mọc khắp nơi, người dân chí thú với nghề làm thuốc. Nhiều chuyên gia đánh giá xã Ba Vì nói riêng, Vườn quốc gia Ba Vì (ở gần đó) nói chung có hệ thống cây thuốc Nam phong phú bậc nhất thế giới”.

Theo bà Ngô Kiều Oanh, không chỉ cây thuốc, mật ong hay nghề thêu tay, chính phong tục tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của người Dao trong xã là lực hút du khách. “Cuối thế kỷ trước, khi tham dự lễ hội của người Dao ở xã Ba Vì, tôi giật mình khi thấy họ mang ra những bức tranh cổ phục vụ cho việc thờ cúng. Tôi gọi điện cho một chuyên gia người Italia đang công tác ở Hà Nội, giục lên xã Ba Vì ngay. Khi thấy những bức tranh thờ, vị chuyên gia này hoàn toàn bất ngờ và bị thu hút, bảo bao nhiêu năm tới Tây Tạng (Trung Quốc) nghiên cứu mà chưa từng thấy những bức tranh thờ cổ như thế”.

Những câu chuyện ở Ba Vì cho thấy ý tưởng mở dịch vụ du lịch là có cơ sở. Viễn cảnh hàng đoàn khách đến đây, rong ruổi trên những chiếc xe đạp dạo quanh xã ngắm cảnh, trải nghiệm nét sinh hoạt của người dân rồi về nghỉ ngơi trong những căn nhà được dựng theo lối kiến trúc của người Dao đã được mở ra.

Chính người dân ở đây, kể cả những hộ nức tiếng giàu có nhờ nghề thuốc cũng sẵn sàng làm du lịch. Có nhà sẵn sàng đầu tư phòng tắm thuốc người Dao và vườn trồng cây thuốc để đón khách. Có nhà muốn cho khách ở qua đêm tại nhà mình để họ hiểu rõ hơn về đời sống của người Dao, có trải nghiệm thú vị…

Ý tưởng làm giàu từ du lịch là vậy, nhưng không dễ thực hiện. Ở xã Ba Vì chưa có hộ gia đình nào thực hiện mô hình “homestay”, cả xã chỉ có 2 nhà nghỉ nên khó đón nhiều khách cùng lúc. Kiến thức về du lịch của người dân còn mỏng, phải bồi đắp liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì mới thành công. Không kể số nhà dựng theo lối kiến trúc của người Dao ở trong xã cũng không còn nhiều...

Đây là những bài toán mà ngành Du lịch thành phố và huyện Ba Vì cần tìm lời giải để mở hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa người Dao, đặc biệt là nghề thuốc Nam truyền thống, qua đó tạo ra cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở lối làm giàu cho người Dao Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.