(HNM) - Triển khai từ năm học 2011-2012 tại 24 trường tiểu học của 6 tỉnh, đến nay, mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã được áp dụng tại hơn 2.000 trường học tiểu học và THCS trên cả nước. Thực tế triển khai đã ghi nhận nhiều thành công, tạo chuyển biến toàn diện ở các nhà trường, gợi mở nhiều kỳ vọng.
Trường tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) là một trong những mô hình trường học mới tại Việt Nam. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Báo cáo từ các sở GD-ĐT và kiểm tra thực tế thời gian qua, Bộ GD-ĐT đánh giá: Mô hình VNEN đã thay đổi nhận thức, thuyết phục cán bộ, giáo viên (GV), phụ huynh HS, tác động mạnh đến giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước. Các hoạt động trong nhà trường thay đổi theo hướng thân thiện và gắn liền với cuộc sống.
GV đã giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ HS. HS tự tin, chủ động, hào hứng học tập và sinh hoạt tập thể; bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển được năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá. Cha mẹ HS và cộng đồng đồng thuận, tích cực hỗ trợ nhà trường triển khai VNEN thông qua các hoạt động cụ thể.
TS Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Giám đốc Dự án VNEN khẳng định: Trường học mới không phải mới về cơ sở vật chất. VNEN tập trung vào đổi mới sư phạm, bao gồm phương pháp dạy, phương pháp học, phương pháp đánh giá HS, tổ chức lớp học, sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng vào giáo dục HS tại trường.
Nếu như mô hình dạy học truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức, chủ yếu là thầy giảng giải, đặt câu hỏi, HS suy nghĩ tìm hiểu lĩnh hội kiến thức, thì ở VNEN, GV tổ chức, hướng dẫn HS hoạt động, học cá nhân, học theo nhóm, đồng thời theo dõi, giám sát, hỗ trợ từng HS. Cũng ở VNEN, HS không ngồi nghe giảng một chiều, mà dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân, các em chủ động tự thực hiện nhiệm vụ học tập hơn theo hướng dẫn của thầy cô, lắng nghe, trao đổi, phối hợp, hợp tác trong nhóm để tự lĩnh hội kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực, phẩm chất...
Từ những tác động đến đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, mô hình VNEN cũng làm thay đổi về cách thức tổ chức lớp học tại các nhà trường. HS chủ yếu ngồi học theo nhóm với sự dẫn dắt của GV. Các bài học và hoạt động trải nghiệm của HS ở trường, ở nhà, ở cộng đồng là hài hòa, thống nhất, hướng tới phát huy tính chủ động, tự quản, sáng tạo, năng động, tự tin, hợp tác… của HS.
Tổ chức lớp học được thay đổi để tham gia thực hiện ý tưởng trên đối với HS, đó chính là hội đồng tự quản HS. Các em HS trong hội đồng tự quản không tuân thủ các yêu cầu của GV chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó của các lớp học truyền thống mà HS có thể đề đạt GV các ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về các hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản... Thầy cô giáo và phụ huynh chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ. Đây là cách để HS tự tin, năng động, có trách nhiệm với tập thể và cá nhân mình, biết hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.
Cách thức này giáo dục HS biết sống tự tin, tự lập, thẳng thắn, chủ động. Theo TS Phạm Ngọc Định: Nếu duy trì được hoạt động của hội đồng tự quản thì HS sẽ sửa chữa được nhiều khiếm khuyết mà các thế hệ HS trước đó thường mắc phải như sự thụ động, né tránh, không có chính kiến... Cách để HS tự quản, chủ động trong sinh hoạt, học tập cũng chính là hướng tới việc giáo dục con người mới trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.