(HNM) - Được triển khai thí điểm từ năm học 2011-2012, cho đến nay, mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy người học làm trung tâm đã tạo nên sự thay đổi tích cực trong việc phát triển năng lực học sinh (HS), đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ.
Thực tế triển khai mô hình này thời gian qua cho thấy, đây là mô hình khả thi ở nhiều địa bàn, cách thức dạy học mới giúp cho HS tự tin, năng động và sáng tạo hơn.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Bắt đầu thí điểm tại 6 tỉnh từ năm học 2011-2012 đối với cấp tiểu học, năm học 2015-2016, số lượng trường tiểu học áp dụng mô hình trường học mới đã lên tới 3.700. Cấp THCS mới triển khai mô hình trường học mới được một năm ở 48 trường, năm nay, con số này cũng đã tăng lên đến 1.600 trường. Đó là chưa tính đến những trường học tự nguyện đăng ký áp dụng một phần của mô hình trường này như đổi mới hình thức tổ chức lớp học theo hội đồng tự quản và các ban tự quản của HS, đổi mới phương pháp giảng dạy, sắp xếp cơ sở vật chất lớp học theo mô hình hoạt động nhóm…
Việc lựa chọn nội dung áp dụng tùy theo điều kiện thực tế của từng trường, chứ không phải bắt buộc. Song thực tế cho thấy qua mỗi năm học, số lượng trường áp dụng mô hình VNEN ngày càng tăng, trong đó có không ít trường tự nguyện đăng ký tham gia bởi nhận rõ tính ưu việt của mô hình trường học mới.
Mô hình trường học mới tại Việt Nam với cách thức dạy học mới đã giúp học sinh tự tin, năng động và sáng tạo hơn. Ảnh: sơn hà |
Tại hội nghị tập huấn cán bộ quản lý thực hiện mô hình trường học mới cấp THCS năm học 2015-2016 - diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đây là một trong những giải pháp tích cực nhằm thực hiện mục tiêu chuyển từ phương thức dạy học chủ yếu từ truyền thụ kiến thức sang trang bị kỹ năng sáng tạo, chủ động nhằm phát triển năng lực HS. Đây cũng chính là mục tiêu của công cuộc đổi mới giáo dục lần này.
Áp dụng mô hình trường học mới, quy trình bắt buộc với các trường là có khung nội dung chương trình, nhưng cách thức triển khai thế nào phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của đơn vị. Điểm khác nữa là lâu nay các nhà trường mới chỉ quan tâm đánh giá hàm lượng kiến thức thu được của HS, nay sẽ coi trọng đến việc kiểm tra xem các em vận dụng kiến thức đã học để làm được những gì, đạt được ở mức độ nào. Tóm lại, vai trò của việc đánh giá theo mô hình mới là để tạo ra chất lượng, chứ không chỉ đơn thuần là đánh giá chất lượng.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết trong quá trình thử nghiệm chương trình mới, sách giáo khoa của VNEN đã được đánh giá thành công. Các môn học vẫn được coi trọng, song có tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kích thích sự chủ động khám phá của HS.
Sĩ số đông vẫn có thể áp dụng
Một trong những băn khoăn của nhiều địa phương, nhất là tại những thành phố lớn, trong việc áp dụng mô hình trường học mới là liệu sĩ số HS/lớp đông thì có thể tổ chức hiệu quả hay không. Nhiều năm nay, áp lực về quy mô HS vẫn là bài toán khó giải đối với nhiều địa phương.
Nhớ lại thời điểm mới triển khai, trong số 1.447 trường tiểu học thí điểm mô hình VNEN, Hà Nội có một trường tham gia là tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Đến năm học 2014-2015, toàn thành phố có 58 trường của 17 quận, huyện tham gia. Quá trình triển khai cho thấy sĩ số HS/lớp cao là một trong những thử thách lớn. Bắt đầu từ việc bố trí lớp học. Bàn ghế phải được sắp xếp theo nhóm thay vì theo hàng ngang như các lớp học truyền thống. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn HS tự học, thường xuyên quan sát, kiểm tra và có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho HS. Gạt bỏ sự e ngại, lo lắng ban đầu, nhiều trường đã mạnh dạn thí điểm và đã thành công.
Có dịp dự giờ tại Trường Tiểu học Trưng Trắc (Hai Bà Trưng) - đơn vị có sĩ số lớp trên 55 HS, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết đã khá bất ngờ và cảm thấy thú vị bởi dù sĩ số HS/lớp đông nhưng lớp học vẫn bảo đảm các yêu cầu của mô hình VNEN. Với cách làm sáng tạo của trường, sự tương tác giữa cô và trò, giữa các học trò với nhau không bị cản trở nhiều bởi sĩ số HS. Năm học mới, Hà Nội khuyến khích mở rộng mô hình này, mỗi quận, huyện nên thí điểm ít nhất tại 2 trường, mỗi khối thí điểm ít nhất tại 2 lớp nhằm tạo cơ hội cho các thầy cô giáo chia sẻ kinh nghiệm.
Chia sẻ về phương thức triển khai, cô giáo Dương Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc cho biết: Để giải quyết bài toán sĩ số, nhà trường đã chuẩn bị giáo viên dự trữ nhằm hỗ trợ các lớp. Kinh nghiệm được rút ra trong quá trình giảng dạy là chọn HS làm nhóm trưởng cùng hỗ trợ giáo viên làm công tác khảo sát kết quả của các nhóm. Cách thức này vừa tạo động lực tích cực cho HS phấn đấu, lại vừa góp phần giảm áp lực cho giáo viên. Bàn ghế được sắp xếp khoa học để tăng tính tương tác giữa HS với nhau và giữa HS với giáo viên. Kết quả khảo sát cho thấy, chất lượng giáo dục ở các lớp áp dụng mô hình VNEN có nhiều chuyển biến hơn, tỷ lệ HS khá giỏi cao hơn. Đây cũng chính là lý do khiến cho mô hình này ngày càng nhận được sự ủng hộ của cha mẹ HS và giáo viên nhà trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.