Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình trường học mới: Dần khẳng định tính bền vững

Thống Nhất| 14/01/2016 06:34

(HNM) - Dự án mô hình trường học mới sẽ chính thức kết thúc vào cuối năm học 2015-2016 này. Tính khả thi của mô hình trường học này ra sao, liệu sau khi kết thúc thì dự án có tiếp tục được triển khai nữa hay không?


Hà Nội nỗ lực vượt khó

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước - gần 1,7 triệu HS, trong năm đầu tiên triển khai VNEN, Hà Nội đã gặp không ít khó khăn, rào cản không nhỏ trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án. Đó là vì sĩ số HS/lớp rất đông, nhất là tại các trường trong khu vực nội thành, phổ biến ở mức trên 40 HS/lớp, thậm chí có nơi lên đến hơn 50 HS/lớp. Trong khi đó, một trong những điều kiện cần thiết khi áp dụng mô hình trường học mới là số HS trong một lớp đáp ứng theo điều lệ nhà trường, tức là ở cấp tiểu học chỉ ở mức 35 HS/lớp.

Mô hình trường học mới Việt Nam đã phát huy sức sáng tạo và tính độc lập của học sinh.


Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) - đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình này - nằm trong số trường có sĩ số HS phổ biến ở mức 50 em/lớp. Khó khăn đầu tiên là việc kê bàn ghế cho HS ngồi theo nhóm. Khác với mô hình dạy học truyền thống là HS ngồi theo các dãy bàn, với mô hình trường học mới, HS được thiết kế ngồi học theo từng nhóm. Giáo viên cũng vất vả hơn khi phải di chuyển liên tục để trao đổi, hỗ trợ HS bởi sĩ số lớp đông, diện tích phòng học hạn chế. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, Hà Nội đã rất nỗ lực, áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực để giảm sĩ số HS/lớp, song quy mô trường lớp chưa đáp ứng kịp bởi tốc độ di dân cơ học quá nhanh, nhất là tại một số quận như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa… Dù với điều kiện còn khó khăn như vậy nhưng cả cô và trò đều rất tích cực trong việc triển khai mô hình trường học mới và thực tế cho thấy mô hình này đã đem lại nhiều chuyển biến rõ nét.

Một thử thách khác là khi triển khai VNEN tại Trường Tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ), đã có khá nhiều phụ huynh phản đối, thậm chí đề nghị cho con chuyển lớp, chuyển trường. Có rất nhiều lý do được phụ huynh đưa ra, trong đó có mối lo về cách thức tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới sẽ khiến họ mất thêm nhiều thời gian cho việc học của con, ngoài ra, còn có thể có nguy cơ khiến các con mất trật tự nhiều hơn, HS khó có cơ hội phát huy mọi khả năng… Khi ấy, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ đã trực tiếp đối thoại với phụ huynh hàng giờ, sẵn lòng giải đáp tất cả băn khoăn, thắc mắc của từng người. Kết quả ban đầu là mô hình trường học mới đã nhận được sự chấp thuận của phụ huynh, đến nay, sau gần 3 năm triển khai, các phụ huynh HS đều tin tưởng, ủng hộ. Đó là minh chứng cho hiệu quả tích cực của mô hình trường học mới đối với chất lượng giáo dục toàn diện của HS. Theo đánh giá của phụ huynh, các con không chỉ tiếp nhận kiến thức tốt hơn, mà còn biết tự học, sáng tạo và chủ động hơn trong học tập và sinh hoạt.

VNEN tiếp cận với đổi mới giáo dục

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu và nắm bắt thực tiễn, ông Đặng Tự Ân, chuyên gia trưởng dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam nhận định: Sau 3 năm triển khai, mô hình trường học mới đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các nhà trường. Ông cho rằng, mô hình này là một cách tiếp cận, một sự thể hiện cụ thể theo định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Quá trình nghiên cứu cũng cho thấy giữa mô hình VNEN và đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông có nhiều điểm tương đồng như: mô hình này phù hợp về quan điểm, mục tiêu và cơ sở khoa học, thực tiễn của đề án. Đó là đổi mới chương trình giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm… Mô hình VNEN đang được triển khai ở bậc tiểu học và THCS cũng phù hợp với giai đoạn đầu của giáo dục phổ thông, đó là giai đoạn giáo dục cơ bản. Các môn học của VNEN về cơ bản cũng giống như các môn học bắt buộc trong đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Trước những băn khoăn của dư luận về tính khả thi của dự án VNEN, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết: Với những kết quả đạt được trong quá trình triển khai dự án suốt 3 năm qua, sự phản hồi tích cực từ các nhà trường, sự đồng thuận của cha mẹ HS thì khi chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai, theo kế hoạch là từ năm học 2018-2019, dự án VNEN sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Dự kiến, sẽ có một bộ sách giáo khoa được biên soạn từ những kinh nghiệm triển khai của VNEN để các trường lựa chọn theo chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Như vậy có nghĩa là mô hình trường học mới có tính bền vững, tác dụng lâu dài, chứ không dừng lại khi dự án kết thúc. Những kết quả từ việc triển khai mô hình trường học mới tại gần 1.500 trường tiểu học thuộc dự án và hơn 2.300 trường tự nguyện tham gia trong năm học 2015-2016 này là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình trường học mới: Dần khẳng định tính bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.